Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

NGẬP NGỪNG...

Huỳnh Văn Cát
(tặng bạn tri âm)
     

Trước một giai nhân, mọi đàn ông trên thế gian này đều dấy lên môt xúc cảm - ngoại trừ các “gay”. Có người rung động phần con, có kẻ rung động phần người, có kẻ dấy lên xúc cảm thẩm mỹ, để rồi thành tranh tố nữ, thành khúc tình ca, thành văn, thành thơ ...
Các tác phẩm nghệ thuật ấy đều mang dấu ấn tâm tình của người sinh ra nó.
Em, một kì công của tạo hóa mang tính hạn kì bỗng trở thành vĩnh hằng là do nét bút của Anh góp phần tô điểm.
Em, biểu tượng của vẻ đẹp bất ngờ xuất hiện thì ai cũng muốn xin em ban phước cho riêng mình.
Nói đến đây, tôi lại nhớ đến bài thơ Xin trong tâp thơ “Yêu Hoa, Yêu Người” của nhà thơ Lê Văn Bảy :
Người ta xin bảy xin năm
Anh xin chỉ một phần trăm thôi mà
Xin nhiều thì sợ em la
Xin ít cứ ngỡ như là chưa xin
Thôi thì nhiều ít tùy em
Miễn sao tí chút là hên lắm rồi
Sao em không chịu trả lời
Hay là em định cho tôi cả mười
Có hai đối tượng cùng xuất hiện trong một chủ thể trữ tình: Em, một cô gái đẹp dịu hiền duyên dáng đang ngượng ngùng e lệ; anh, một chàng trai ôm bình bát khất thực tình yêu độ nhựt tâm hồn với thái độ ngập ngừng trong một không gian rộn rã “xin bảy xin năm”. Khi mọi người đã lui ra, nhân vạt trữ tình anh mới mở lời:
Người ta xin bảy xin năm
Anh xin chỉ một phần trăm thôi mà
“Một phần trăm”- một con số vô cùng khiêm tốn; “thôi mà” làm cho lời thơ nhẹ nhàng, tình cảm thể hiện thái độ trân trọng, khiêm cung. Thật lòng mà noí anh cũng muốn xin em nhiều hơn cái hàng ngang dãy dọc “xin bảy xin năm” nhưng anh cứ mãi e dè ... Đã xin mà lại ngại ngùng xin ít ? Nhìn sâu vaò đôi mắt em, đôi cửa sổ tâm hồn, sau một phút ngập ngừng, anh thiệt thà:
Xin nhiều thì sợ em la
Xin ít cứ ngỡ như là chưa xin
Hai từ trái nghĩa “nhiều”- “ít” thể hiện sự phân vân, sự mâu thuẫn nội tâm, mâu thuẫn giữa điều anh đã nói và điều anh đang muốn nói.
Chỉ có em mới giúp anh đi tìm nghiệm số của phương trình bậc hai: x= ?, nghiệm số lớn hay bé tùy thuộc vào em, cách giải của em. Anh lại cứ ngập ngừng một cách đáng yêu:
Thôi thì nhiều ít tùy em
Miễn sao tí chút là hên lăm rồi
Anh xin “một phần trăm”. Em cho “tí chút”. Như vậy là hơp lí. Và nhận một chút từ em là hên, là may mắn , là đủ an ủi người khất thực tình yêu.
Lại đến lúc em bâng khuâng suy nghĩ trong sự yên lặng hân hoan. Có lẽ anh đã cảm nhận được: em đã đón nhận tình anh :
Sao em không chịu trả lời
Hay là em định cho tôi cả mười
Môt câu hỏi dưới hình thức của một câu khẳng định càng làm cho giọng điệu của câu thơ nhẹ nhàng và lời tỏ tình thêm duyên dáng.
“Người ta xin bảy xin năm” mà không được một tí tì ti . Anh xin “chỉ một phần trăm” mà được “cả mười”. Đó là nghịch lí thường nghiệm trong tình yêu.
Tám câu lục bát giàu âm điệu dân gian thể hiện bốn bước ngập ngừng của người chân quê yêu cái đẹp. Và mỗi bước ngập ngừng có một nét duyên ngầm .

Đêm Noel 2011
    


Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

DỐT CŨNG MỘT ĐỜI...

                                    
 Huỳnh Văn Cát

Ngày xưa ở làng Bộ Thạch có một cặp vợ chồng nọ thuộc tầng lớp dân đen. Họ sống với nhau trên thuận dưới hòa bằng nghề cày sâu cuốc bẫm. Nhờ hồng phúc tổ tiên, một cặp con trai kháu khỉnh ra đời.
Thoạt nhìn, hai đứa giống nhau như hai giọt mưa thu nhưng nhìn kĩ, hai đứa lại giống nhau như hai giọt  mưa rào có gió to giông dữ. Thằng anh mặt chữ điền, da trắng, tính nết nhu mì, chăm việc cắt cỏ. Thằng em đầu dơi trán khỉ, ti hí mắt lươn, môi thâm xì, nói năng giảo hoạt, chăm việc  cỡi trâu.
Cha mẹ chúng làm lụng vất vả nuôi con. Họ luôn ước vọng con mình sau nầy thành nhân, thành tài, thành đạt để bản thân chúng sung sướng, gia đình rạng rỡ, dòng họ, xóm làng thơm lây bởi những việc làm ích dân lợi nước. Cho nên họ dẫn chúng đến nhà thầy đồ xin học.