Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

DANH NGÔN VÀ DÂN NGÔN


            Huỳnh Văn Cát


         Trí thức được coi thực sự là trí thức, đó là kết quả của sự suy nghĩ, tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.
                                             Léon Tolstoi

          Tình cảm thực sự là tình cảm, đó là kết quả của yêu, thương, hờn, giận, tranh biện thực lòng, chứ không phải là lấy lòng.
                                             Huỳnh Văn Cát
   

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

CÀ PHÊ MỘT MÌNH



                                     Lê Văn Bảy


                         Giọt cà phê đếm thời gian
                         Se se cái lạnh xuân sang đầu mùa
                         Ngập ngừng tiếng guốc ai khua
                         Mơ màng tôi tưởng em vừa tới nơi
                         Thì ra tiếng guốc của người
                         Còn em vẫn ở phương trời xa xôi
                         Một mình tôi với tôi thôi
                         Cà phê từng giọt rơi rơi hạt buồn.
                                     

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

BÀN VỀ BẤT ỔN TRONG ĐỀ THI VÀ ĐÁP ÁN MÔN NGỮ VĂN ...


        CÓ NHIỀU BẤT ỔN CẦN BÀN TRONG ĐỀ THI VÀ ĐÁP ÁN
        MÔN NGỮ VĂN, KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 PTTH
        NĂM HỌC 2008-2009 CỦA SỞ GD-ĐT QUẢNG NAM

                                                                 Huỳnh Văn Cát

            
            Nhìn chung đề thi môn Ngữ Văn, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2008-2009 của SGD-ĐT tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 15/6/2009 đã qua sát với chương trình, phù hợp với trình độ học sinh. Có thể nói đây là một đề thi khá hay, nhưng vẫn còn một số điều bất ổn cần trao đổi.

1.      Chiền chiện có phải là từ láy không?

            Trích nguyên văn câu 5, phần trắc nghiệm: “Trong bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ (Thanh Hải), từ nào không phải là từ láy?
            a. Long lanh     b. Hối hả     c. Xôn xao       d. Chiền chiện”

            Câu hỏi trên khá phức tạp đối với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Tiếng Viêt hiện đại. Bởi vì họ đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Theo cách hiểu của Việt ngữ học hiện đại mà giáo sư Hoàng Tuệ là người đại diện thì chiền chiện, ba ba, đu đủ, thuồng luồng... là từ láy. Bởi vì theo quan điểm của họ “từ láy là từ phức có sự hòa phối âm thanh”. Nhưng theo Đỗ Hữu Châu thì các từ trên không phải là từ láy. Vì theo theo nhà ngôn ngữ học này: từ láy phải có hai đặc tính: Phải có hình vị gốc có nghĩa và có sự hòa phối âm thanh.

            Theo quan niện của Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam : “ Đứng trước tình hình chưa có sự nhất trí giữa các nhà khoa học, giải pháp cuả  sgk Ngừ văn là một mặt thừa nhận quan niệm rộng về từ láy đã được trình bày ở định nghĩa về từ láy ở sgk ngữ văn 6, bao gồm cả từ láy có tiếng gốc có nghĩa và từ láy không có tiếng gốc có nghĩa, đồng thời khi trình bày nghĩa của từ láy có chú trọng nhiều hơn đến từ láy có tiếng gốc có nghĩa”. (Sách GV 7, tập 1, trang 49-50).

            Dựa vào sgk thì đây là một câu hỏi khá đơn giản đối với thí sinh. Chiền chiện là một từ láy, vì chiền + chiện = chiền chiện, hai tiếng “chiền”“chiện” đều không có nghĩa kết hơp lại với nhau do sự hòa phối âm thanh tạo ra từ “chiền chiện” chỉ một loài chim nhỏ hơn chim sẻ sống ở đồng ruộng hay bãi quang đãng, khi hót vút lên cao nên tiếng hót vang xa. Và trong Từ điển từ láy tiếng Việt của Hoàng Văn Hành cũng ghi rõ các danh từ chỉ loài vật như: chiền chiện, chích chòe, ba ba, thuồng luồng, chào mào … đều là những từ láy.

            Như vậy bốn từ: long lanh, hối hả, xôn xao, chiền chiện đều là từ láy. Thế thì câu trắc nghiệm trên không có đáp án. Nói theo ngôn ngữ toán học thì đây là một phương trình vô nghiệm.
    
            2.Từ vai (áo) chuyển nghĩa theo phương thức nào? ẩn dụ hay hoán dụ?

            Trích nguyên văn câu 1a phần tự luận:
                   “Áo anh rách vai
                     Quần tôi có vài mảnh vá
                     Miệng cười buốt giá
                     Chân không giày
                     Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
                                ( Trích bài thơ “ Đồng Chí” của Chính Hữu)

a. Trong các từ vai, miệng, chân, tay ở đoạn thơ trên, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa chuyển đó được hình thành theo phương thức ẩn dụ hay hoán dụ?
            Đây là một câu hỏi thuộc dạng nhận biết khá hay. Nếu thí sinh không phân biệt được ẩn dụ và hoán dụ ngôn ngữ học (phát triển từ vựng) với ẩn dụ và hoán dụ tu từ học (ẩn dụ lời nói- nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt), thì khó có câu trả lời đúng.

           Bởi vì “ Điều quan trọng cần phân biệt là: tuy là hiện tượng gọi tên sự vật nầy, hiện tượng nầy bằng tên sự vật khác, hiện tượng khác có nét tương đồng (ẩn dụ) hoặc quan hệ tương cận (hoán dụ). Nhưng ẩn dụ tu từ và hoán dụ tu từ (các biện pháp tu từ) chỉ làm xuất hiện nghĩa lâm thời của từ ngữ, còn ẩn dụ từ vựng và hoán dụ từ vựng (các phương thức phát triển nghĩa của từ ngữ) làm cho từ ngữ có thêm nghĩa chuyển, nghĩa nầy được đông đảo người bản xứ thừa nhận. Vì thế có thể giải thích được trong từ điển” (sách giáo viên 9, tập 1, trang 54).

            Như vậy, muốn biết từ vai (áo) chuyển nghĩa theo phương thức nào thì ta phải đặt nghĩa của nó trong mối quan hệ với nghĩa chính vai (người) và các nghĩa chuyển khác.
             Vai (người) nghĩa chính: phần cơ thể nối liền hai cánh tay(hoặc hai chi trước của thú vật) với thân
           Vai với các nghĩa chuyển:
            Vai của con người là biểu tượng của  thứ bậc trên dưới trong quan hệ gia đình, họ hàng: vai chú, vai anh, vai cháu, vai con...
             Vai là bộ phận của áo, phần nối liền giữa hai tay áo với thân áo nằm chổ vai người.
           Vai là nhân vật trong kịch bản được diễn viên thể hiện trên sân khấu hoặc trong phim(vai chính, vai phụ).

            Nếu nghĩa chính và nghĩa chuyển quan hệ tương đồng thì nghĩa của từ đó chuyển theo phương thức ẩn dụ.

            Nếu nghĩa chính và nghĩa chuyển có quan hệ tương cận thì nghĩa của từ đó chuyển theo phương thức hoán dụ.

            Dựa vào qui luật nói trên thì từ vai( người) và từ vai áo có nét tương đồng: bộ phận nối kết giữa tay và thân. Do đó vai (áo) chuyển theo phương thức ẩn dụ. các từ vai(nhân vật) vai(anh, chị..) chuyển theo phương thức hoán dụ.

            Bài tập nầy có trong bài tổng kết từ vựng( sgk NV9 ttrang 158) và được sgv giải là hoán dụ. Đó là một lời giải sai.

            Vốn tính hiếu tri của một thầy giáo yêu nghề và có trách nhiệm chuyên môn, tôi trao đổi trực tiếp với anh Quang (SGD-ĐT QN) qua điện thoại. Anh Quang trả lời: từ chiền chiện không phải là từ láy vì đây là một danh từ.

            Nếu xét về phương thức cấu tạo từ TV (trừ các từ phiên âm có gốc Ấn Âu) thì chỉ có hai loại từ ghép và từ láy. Chẳng lẽ chiền chiện lại là từ ghép, bởi vì nó không phải là từ láy. Có thể khẳng định đó là một câu trắc nghiêm bất ổn, vì cả bốn từ: long lanh, hối hả, xôn xao, chiền chiện đều là từ láy.

            Từ vai chuyển nghĩa theo phương thức nào? Anh Quang khẳng định từ vai chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ với ba lí do:
            - Từ vai(áo) thay thế cho cả cái áo, nói rách vai là nói rách áo.
            - Sgv giải như vậy thì ta phaỉ theo sgv.
            - Mặt bằng chung của giáo viên hiện nay ai cũng dạy từ vai chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ.

            Tôi thấy lập luận của anh Quang không vững chắc, ba lí do trên không có sức thuyết phuc vì mấy lẽ sau đây:

            -Xét về  mặt khoa học thì đáp án không có cơ sở vững  chắc. Vì khi xác định một từ nào đó là từ láy hay từ ghép, ta dựa vào phương thức cấu tạo của từ đó (ghép hay láy) chứ không phải dựa vào từ loại (danh từ,động từ tính từ). Vì khi xét một từ nào đó chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ hay hoán dụ, ta dựa trên mối quan hệ giữa nghĩa chính và nghĩa chuyển của từ nhiều nghĩa( chỉ nhiều khái niệm). Các nghĩa đó được ghi trong từ điển Tiếng Việt, chớ không đặt nghĩa của từ đó trong mối quan hệ với người nói (giả dụ người nói có dụng ý dùng áo rách vai để nói thay cho cả chiếc áo rách đi nữa thì đó cũng chỉ là nghĩa phát sinh trong ngữ cảnh chứ không phaỉ là nghĩa chuyển, nghĩa phaí sinh từ nghĩa chính.

            Sgk cũng như sgv môn NV( các bậc học) hiện hành vẫn có những sai sót cần hiệu đính. Tôi xin đơn cử một trường hợp để làm bằng chứng: Câu 2 trang 86 NV9, tập 1- “thống kê những từ ghép là là tính từ, danh từ, động từ (gần xa, yến anh, chị em, tài tử, nô nức, dập dìu...). Đúng ra sgk phải thống kê những từ phức. Vì nô nức dập dìu không phỉ là từ ghép.

           Tôi khẳng định sgv đã giải sai bài tập trong đề thi trên.  

            Không thể nói đa số giáo viên dạy theo cái sai của sgv gọi là mặt bằng chung. (Mà chưa chắc giáo viên dạy sai như sách một cách mù quáng).  Phần đông giáo viên dạy sai theo sách, phần đông học sinh làm bài sai như sách mà người ra đề cho là học sinh đó làm bài đúng và đạt điểm tối đa, trong khi một số ít giáo viên có bản lĩnh sư phạm dạy đúng, một số ít học sinh làm bài đúng thì bị điểm (0).
            Một cái đáp án sai thì không thể đánh giá chính xác, công bằng chất lượng học tập của thí sinh.

            Với trách nhiệm của một thầy giáo dạy NV đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, tôi thấy đề thi sai, đáp án sai có sự liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng khác.

            Về mặt khoa học thì chân lí khách quan phải rạch ròi đúng sai, không thể có cái chân lí lập lờ đánh lận con đen theo ý kiến bầy đàn, theo ý chủ quan của người có quyền hạn chuyên môn.

            Về phía học trò, kì thi tuyển sinh vào lớp 10PTTH là một kì thi vô cùng quan trọng, kì thi quyết định số phận thí sinh học ở trường nào, chỉ cần chênh nhau 0,25đ, là thí sinh đó vào trường công lập., bán công hay tư thục.

           Do đó tôi đề nghị SGD-đT QN nên xem xét lại đề thi và đáp án trên.

      (Huỳnh Văn Cát - Giáo viên trường THCS Mĩ Hòa- Đại Lộc)

           Mùa thi năm 2009

TB
Văn bản trên đã được gởi SGD-ĐT QN,qua đường bưu điện, trước ngày triên khai đáp án ở các Hội đồng chấm thi của kì thi năm ấy. Đáp án không được điều chỉnh và đến nay tôi vẫn chưa có lời hồi đáp.

Nhân dịp cả nước sôi nổi bàn về giáo dục, tôi đăng bài này lên blog  để góp phần xây dựng.

Mời đọc bài liên quan: BẤM VÀO ĐÂY



Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

ĐÀN ÔNG CẦN GÌ ?


     (không rõ tác giả)

Điều làm đàn ông không chịu nổi là sự lảm nhảm của người vợ, nước mắt của người tình và sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ. Đàn ông cả đời đi tìm không phải vợ, cũng không phải người tình mà là hồng nhan tri kỷ.

Thế nào là vợ? Là người con gái mà bạn tình nguyện giao cả gia tài cho cô ấy cất giữ. Thế nào là người tình? Là người con gái mà bạn hẹn hò vụng trộm với cô ấy và sợ vợ phát hiện. Thế nào là hồng nhan tri kỷ? Là người con gái mà bạn có thể nói với cô ấy tất cả mọi bí mật, kể cả điều mà bạn không thể nói được với vợ hay người tình.
Vợ là một sự ràng buộc, ràng buộc bạn không thể tùy tiện cặp bồ với một người con gái khác. Người tình là một sự bù đắp, bù đắp cho bạn những tình cảm mãnh liệt mà ở người vợ còn thiếu hoặc bạn không tìm được ở người vợ. Hồng nhan tri kỷ là sự chỉ rõ, chỉ rõ sự mê say trong trái tim bạn.
Vợ sống cùng bạn từng ngày, người tình tiêu tiền cùng bạn, hồng nhan tri kỷ nói chuyện cùng bạn. Vợ không thể thay thế người tình, vì vợ không điều khiển được tình cảm như người tình. Người tình không thể thay thế vợ, vì người tình không có được tình thân như vợ. Vợ và người tình đều không thay thế được hồng nhan tri kỷ, vì đó nhu cầu của tâm linh.
Vợ là người con gái không hề có chút quan hệ máu mủ nào với bạn nhưng lại bồn chồn mong nhớ mỗi khi màn đêm đã xuống mà bạn chưa về nhà. Người tình là người con gái không hề có chút quan hệ gia đình với bạn nhưng lại làm cho bạn thỏa mãn mùi vị ái tình của đấng nam giới. Hồng nhan tri kỷ là người con gái chẳng có quan hệ gì với bạn nhưng lại có thể chia sẻ cùng bạn những vui buồn phiền muộn.
Vợ là một ngôi nhà, là một bến cảng mang cho trái tim nông nổi của bạn sự vỗ về an ủi. Người tình là gánh nặng của ngôi nhà, chẳng qua chưa đến nỗi vạn bất đắc kỷ, bạn không muốn vứt bỏ. Hồng nhan tri kỷ là vật tô điểm cho ngôi nhà, không có cô ấy bạn không thấy cô đơn, nhưng bạn sẽ cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì.
Sự quan tâm của người vợ như một ly nước lọc, có lúc trở thành sự lảm nhảm, chỉ khi bị ốm mới trở thành sự ôn hòa. Sự quan tâm của người tình như cốc nước lọc đó bỏ thêm chút đường, dần dần qua một đêm rồi mà vẫn chưa thỏa mãn. Sự quan tâm của hồng nhan tri kỷ giống như cốc cafe khi bạn đang làm việc lúc nửa đêm, càng uống càng tỉnh.
Khi vợ có bầu thì sẽ hỏi bạn muốn có con gái hay con trai một cách rất tình cảm. Khi người tình có bầu với bạn thì sẽ khóc và hỏi bạn phải làm sao bây giờ? Đối với hồng nhan tri kỷ, bạn sẽ kể cho cô ấy nghe chuyện người tình của bạn có bầu và sẽ hỏi cô ấy bạn nên làm thế nào. Ngay đối với người vợ, chỉ sau khi bị cô ấy phát hiện bạn mới nói rằng "Thật ra, anh đã muốn nói với em sớm hơn" sau đó cố gắng hết sức để giải thích, và giả bộ rất đáng thương.
Khi vợ về nhà mẹ đẻ một tuần không quay lại bạn cũng không thấy nhớ. Khi người tình mới 3 ngày không gặp bạn liền gọi điện cho cô ấy: Em đi đâu đó? Tối nay chúng mình đến nơi cũ uống cafe được không? Khi trong lòng cảm thấy buồn khổ, bạn chỉ muốn tìm hồng nhan tri kỷ để trò chuyện, nói với cô ấy chuyện vận mệnh của bạn giữa vợ và người tình, thực tế không thể chịu đựng được nữa.
Điều làm đàn ông không chịu nổi đó là sự lảm nhảm của người vợ, nước mắt của người tình và sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ. Sự lảm nhảm của người vợ làm đàn ông thấy đã rối cả lòng lại càng thêm rối hơn, nước mắt của người tình làm cho trái tim của đàn ông mềm yếu hơn, sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ làm cho đàn ông thấy bị tổn thương, hụt hẫng.
Người vợ tốt nhất là người mà đàn ông có thể tìm thấy ở cô ấy người tình và hồng nhan tri kỷ, chỉ là cảm giác thôi mà đàn ông khó có thể tìm thấy. Người tình tốt nhất là người mà khi mối quan hệ của bạn và cô ấy bị vợ bạn phát hiện, cô ấy sẽ chủ động rút lui mà không có một yêu cầu gì hết, nhưng khó mà tìm được điểm này của người tình. Hồng nhan tri kỷ tốt nhất là người đến một ngày nào đó sẽ trở thành người tình, thậm chí thành vợ của bạn, chỉ là cái suy nghĩ này chẳng có chút hiện thực gì cả.
Nếu như có thể, đàn ông rất muốn biến hồng nhan tri kỷ thành người tình, nếu có thể nữa thì sẽ muốn cô ấy thành người vợ. Nhưng nếu hồng nhan tri kỷ trở thành vợ rồi thì sẽ không còn là tri kỷ nữa, bởi vì rất ít đàn ông muốn biến vợ thành tri kỷ. Trái tim đàn ông có rất nhiều bí mật không thể tùy tiện nói cho vợ nghe, không thế thì làm sao gọi là đàn ông nữa.
Lấy vợ là vì sợ người khác nói ra nói vào, tìm một người tình là vì muốn thêm chút gia vị vào để điều chỉnh cái cuộc sống tẻ nhạt, muốn có hồng nhan tri kỷ vì muốn tưới cho tâm hồn trống rỗng của họ một chút canh tươi. Đàn ông cả đời đi tìm không phải là vợ, cũng không phải là người tình mà là hồng nhan tri kỷ.