Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

CÙNG EM ĐI DẠO ĐÀ THÀNH


(Tiếu lâm hiện đại )
                                              Huỳnh Văn Cát
                            

Lúc ấy, năm giờ chiều của một ngày nắng hạ, có một đôi bạn trung niên không cùng giới tính ngồi trên chiếc mô tô từ Chân Núi Lớn phóng nhanh về Đà  Nẵng để ngoạn du cảnh thành phố lên đèn.

Họ hí hửng tươi vui như ngày mới lớn, mắt nọ liếc qua, môi kia cười lại:
- Mình đêm nay đi hết mọi con đường của thành phố biển thân yêu.
- Chúng mình thức trắng đêm ngao du anh nhé.
- Miễn là em bằng lòng để anh lấy vần của tên con đường làm nhịp cầu cho bàn tay anh chạm khẽ vào những vùng yêu thương trên miền đất hứa của em.
Xe đã chạy hết đường Bạch Đằng , xe bon trên đường Nguyễn Tất Thành, cô gái ôm chặt chàng trung niên, kề tai thì thầm:
- Trên đường Nguyễn Tất Thành, cho em rờ cái xi ranh của anh – người nữ miệng nói tay…
Xe qua đường Đống Đa, người đàn ông nói với người đàn bà: “cho anh rờ cái da em một cái”.  
Cũng cái giọng điệu tình tang tang tình như thể xe tới đâu thì họ cứ bắt vần tang tính.
- Đây là dường Phạm Văn Đồng, cho anh rờ cái mông em xúi.
- Đã trên đường Trần Phú cho anh sờ cái của anh.
- Ở tên đường Đinh Công Tráng thì mình nhẹ nhàng… cái h… của nhau.
Một lát, xe đến ngã tư rồi rẽ trái, cô gái khúc khích:
- Tới đường Nguyễn Bặc, cho em rờ con … anh hé !
Khi chạy tới đường Ông Ích Khiêm, cô gái lại không rời con ch…
Xe tới chợ Cồn người nam hỏi: “chừ răng đây em”? Cả hai cười hi hi hi.
- Tới chợ Cồn thì …
          Cô gái đột nhiên hỏi chàng trai trong khi đôi má đỏ hồng:
- Bao giờ mới đến đường Hoàng Văn Thụ hả anh?
            Lúc ấy kim đồng hồ thong thả đánh mười một tiếng reo vui

                                   Giao Thủy 18/11/2012
                                   (Ghi lại lời kể của anh LVB)   

TẬN CÕI PHIÊU BỒNG


                                         Huỳnh Văn Cát


                       
           Ta từ đâu về đây, Trần gian, ai biết!
           Chỉ biết ta là một thằng Người
           Cũng có khi ta một Con người
           Con hay Người
                          mấy phần trăm ai biết
           Ta thật là Ta ở cõi vĩnh hằng

           Đời muôn mặt, và vô vàn dối trá
           Hợm hĩnh đời một bè lũ nhố nhăng
           Kệ thây nó
           Mình vui say tới bến
           Chén tâm tình nồng ấm hơi men

           Đời thầy giáo 35 năm cống hiến
           Góp công lao đào tạo nhân tài
           Một giot nước trong đại dương biển cả
          Cũng tự hào có một ngày vui

          Ngày nhà giáo trong men tình túy lúy
          Với học trò, với đồng nghiệp anh em
          Là thầy giáo, ta toàn tâm toàn ý                                                                                                                                                                                            Lấy chữ nhân để giáo huấn học trò
          Và chữ lễ các em ơi chú ý
          Chữ Nghĩa tình để tận cõi trăm năm
          Muốn thắng thua phải dùng chữ Trí
          Chữ Tín mà không, bất lập thành  Người
                               
          Chừ ta tận cõi phiêu bồng
          Bể xanh không chỗ sen hồng bồng phiêu
          Ao hồ bùn nhớp rong rêu
        Hồng liên, liên bạch bồng phiêu phiêu bồng

                                               Giao Thủy 17/11/2012








Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

CÒN MÃI TRONG TÔI


            Huỳnh Phước

Những hình ảnh thân yêu, những kỉ niệm khó quên về thầy cô, bè bạn dưới mái trường Trung học đệ nhất, đệ nhị cấp Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), nơi mà tôi đã từng theo học từ năm 1965 đến 1972, đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai mờ.
Cổng trường xôn xao theo tiếng trống, hàng cây khuynh diệp xanh tươi tắm mình trong nắng ban mai, quí thầy cô trong trang phục chỉnh tề lên bục giảng, các bạn cùng lớp, chung trường hồn nhiên vô tư và tinh nghịch trong giờ ra chơi nhưng rất nghiêm túc trong giờ học ... đã đi vào vùng sâu thẳm kí ức của tôi.
Lúc ngồi một mình ôn lại hoặc có ai khơi dậy thì các hình ảnh ấy lại miên man hiện về. Với tôi, mỗi con người, mỗi sự việc dù hay dù dở của tuổi học trò đều là những bông hoa kỉ niệm đẹp.  Trong vườn hoa kỉ niệm thắm tươi sắc màu và ngào ngạt hương thơm đó có một đóa hoa luôn nở trong tôi một màu son đỏ. Tôi muốn nói đến thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khoa Phước, cánh chim đầu đàn của trường Trần Quốc Tuấn năm xưa.
            Thời chúng tôi, được trúng tuyển vào lớp đệ thất (tức lớp 6 bây giờ), đa phần đều trên 12 tuổi (do chiến tranh thất học, trễ học). Tuy đã 12, 13 tuổi, nhưng do trình độ chung về dân trí xã hội lúc bấy giờ, nên đa số chúng tôi không có được cái nhanh nhạy như thế hệ học sinh đầu cấp THCS bây giờ. Chính vì vậy, mà khi biết mình trúng tuyển rồi thì cứ yên tâm  xách cặp vào lớp khi ngày khai giảng đến, chớ có biết đâu rằng: viêc nhập học của các “tân khoa đệ thất” không đơn giản chút nào. Theo nguyên tắc hành chính, tôi phải làm thủ tục hồ sơ nhập học (bản sao giấy khai sinh, bản sao bằng tốt nghiệp tiểu học tạm thời, đơn xin nhập học, hai ảnh 4x6…). Muốn có bản sao hợp lệ, tôi phải đến Ty Hành Chánh trong Tòa Hành Chánh tỉnh để được thị thực. Để có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ nêu trên, có khi phải mất cả tuần lễ mới xong. Thế mà chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày khai giảng, tôi mới lon ton đến Văn phòng nhà trường.
            Tôi lê từng bước chân nặng trịch trên hành lang rồi rón rén vào Văn phòng, gặp thầy Giám học để xin giấy vào lớp. Ôi thôi, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái tâm trạng hãi hùng của cậu học trò nhà quê lên tỉnh bị thầy L nện cho một trận đến “hồn xiêu phách lạc” … “Hết hạn nộp hồ sơ, hết hạn nộp hồ sơ… đi ra ngoài, đi ra ngoài … để tôi còn làm việc…”.
Thầy vừa quát tháo vừa vung tay xua đuổi. Là học sinh nghèo, nhút nhát sống ở vùng nông thôn, như “con nai vàng ngơ ngác” chẳng biết cớ sự ất giáp thế nào, tôi chỉ còn biết mếu máo, nài nỉ...trong vô vọng.

            Đúng lúc ấy, có một người thầy tầm thước, da trắng, tóc ngắn, trông thật nho nhã và nhân từ đi ngang qua (sau này tôi mới biết, đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khoa Phước). Thầy dừng lại, hỏi tôi với giọng ôn tồn: “ Vì sao mà em khóc”? Tôi trình bày đầu đuôi sự việc trong nước mắt vắn dài tức tửi. Thầy nhìn tôi với ánh mắt nhân từ, đầy cảm thông và chăm chú lắng nghe. Xong. Thầy đưa bàn tay ấm áp cầm lấy tay tôi, dắt tôi lại gần thầy Giám học, đề nghị thầy L linh hoạt giải quyết cho trường hợp này. Với lý lẽ thật đơn sơ, thầy giải thích: “ Đa số học sinh đến đây là con em nông dân chân lấm tay bùn, vất vả lắm mới cho con ăn học, vì không nắm được đầy đủ qui định của nhà trường, nên chậm trễ. Xin thầy vui lòng gia hạn thời gian nộp hồ sơ cho học sinh nầy ba ngày nữa…”. Trước lời thái độ điềm đạm và lời lẽ  thấu tình đạt lí của người lãnh đạo, thầy L đổi giận làm vui: “ Thôi, em về cố gắng hoàn tất hồ sơ và nộp đúng thời hạn nghe”. Như mở cờ trong bụng, tôi vội vã vòng tay cúi đầu cảm ơn hai thầy, rồi “ba chân bốn cẳng” chạy thẳng về nhà.
            Nếu không có cái tâm trong sáng  của một Nhà giáo, tôi chắc không bao giờ thầy Hiệu trưởng đã nói những lời trĩu nặng tình yêu thương và đầy cảm thông như thế. Cái nghĩa cử cao đẹp, đầy ân tình của thầy đã cứu tôi, một cậu học trò nghèo, khỏi thất học và góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của tôi.
            Khi được nhập học, lớp tôi được thầy Hiệu trưởng  dạy bộ môn giáo dục công dân. Những giờ dạy của thầy, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in. Mỗi khi vào lớp dạy chúng tôi, thầy không thuyết giảng triền miên, cũng không tiến hành theo năm bước như giáo học pháp bây giờ mà thầy dạy theo cách của thầy. Trước tiên thầy nêu chủ đề bài học, tiếp đến thầy kể một câu chuyện, sau đó thầy yêu cầu chúng tôi phát biểu suy nghĩ. Thầy khuyến khích chúng tôi, nghĩ sao nói vậy. Thế là cuộc hội thoại đầy tranh luận của những ý kiến khác nhau của các cô cậu học trò theo một định hướng rất tế nhị của thầy lại nổ ra. Để rồi cuối cùng, thầy khái quát chủ đề thành một bài học ngắn gọn nhưng rất xúc tích nên học sinh rất dễ nhớ.  
            Chẳng hạn, khi dạy về tình yêu quê hương, đất nước, thầy kể chúng tôi nghe câu chuyện Người đi du lịch trở về: Có một người du lịch trên mọi miền đất nước, ông ta đã từng thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, thưởng thức món ngon vật lạ ở những nơi mà ông ta đã đến. Nhưng khi trở về nhà, hàng xóm láng giềng đến hỏi : “Theo ông, nơi nào là nơi đẹp nhất?”  ông trả lời với mọi người rằng: “Cảnh đẹp thì tôi được trông thấy rất nhiều… nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc tôi trở về nơi “quê cha đất tổ”, từ cái hàng rào, bụi tre ở góc vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng… cái gì cũng đẹp, cũng gợi ra cho tôi những  tình cảm yêu thương chứa chan không sao kể xiết được… Rồi sau đó thầy đặt câu hỏi để chúng tôi phát biểu suy nghĩ về tình cảm của người đii du lịch đó. Và cuối cùng thầy khái quát: “Thế mới biết càng đi xa thì lại càng thấy quê hương của mình  đẹp hơn cả ...”
Khi dạy bài nói về chủ đề Lương tâm, cũng từ một câu chuyện kể về một chàng thanh niên, do nông nổi đã làm một việc mà khi hối cãi không thể nào chuộc được lầm lỗi, và lỗi lầm ấy đã dày vò tâm can anh chàng thanh niên này đến cả cuộc đời. Bằng chất giọng thanh nhẹ, sâu lắng và có sức tâm truyền đã đi vào tâm thức chúng tôi. Cho nên sau nhiều năm xa cách, mỗi người một nơi, giờ gặp lại, thế hệ học sinh thời 65 -72 Trần Quốc Tuấn , dù làm bất cứ việc gì, cũng vẫn luôn giữ được lương tâm, một phẩm chất cao quí để thành Người.
Đặc biệt khi dạy về chủ đề Tinh thần trách nhiệm công dân, Thày đã kể câu chuyện về nhân vật Rowan - một con người lịch sử, một con người ngoại hạng. Bằng phương pháp tâm truyền thầy đã khắc  sâu vào ký ức của tôi một con người có tinh thần trách nhiệm, một tinh thần tháo vát, dám đứng ra lãnh trách nhiệm được giao phó… Có thể nói đây là hành trang theo suốt cả cuộc đời chúng tôi.
Trên đường đời đầy gian nan và thử thách, mỗi khi gặp những tình huống bất ngờ về tình yêu và cuộc sống, về trách nhiệm và lương tâm, về tình cảnh của của một tha nhân nào đó thì trong tôi lại hiện lên hình ảnh của thầy Phước kính yêu với ánh nhìn hiền hậu, với giọng nói nhân từ và những bài học Công dân mà thầy đã dạy.

                              Đà Nẵng, mùa hè năm 2012
                                          

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

MÂY TRÔI


                               Huỳnh Văn Cát

                              Trơì xanh một áng mây trôi
                           Hợp tan khoảnh khắc luân hồi ngàn năm.
                             Trần gian cõi tạm ăn nằm
                           Thiên đàng địa ngục mù tăm chốn nào?

                                                          Giao Thủy 25/9/2012 ÂL

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

TẢN MẠN “ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG”


Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh 

Chúng ta đã đều biết đến câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” ám chỉ những người hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn muốn chứng tỏ mình tài giỏi  hơn người nên khoác lác, ba hoa và cuối cùng nhận lãnh một hậu quả. 
Thành ngữ trên có nguồn gốc từ một ngụ ngôn dân gian: Có một con ếch, do một sự ngẫu nhiên nào đó, ngay từ khi sinh ra đã ở trong một cái giếng nọ. Sống cùng với ếch ở trong giếng chỉ có vài con nhái, cua, ốc nhỏ. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, ếch ta chỉ thấy một khoảng trời bé bằng cái vung. Nó nghĩ: Tất cả vũ trụ chỉ có vậy, vì thế ếch tự coi mình là chúa tể. Hàng này, nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng khiến các con vật bé nhỏ kia hoảng sợ. Nó càng lấy làm oai. Nhưng năm ấy có một trận mưa thật to. Nước trong giếng dềnh lên, tràn vào bờ, đưa ếch ta ra ngoài. Quen thói cũ, ếch nhâng nháo nhìn lên trời, nó bỗng thấy cả một bầu trời rộng lớn hơn nhiều cái khoảng trời nó vẫn thấy. Ếch ta không tin và thấy bực bội vì điều đó. Để ra oai, nó cất tiếng kêu ồm ộp. Vị chúa tể hy vọng là sau những tiếng kêu của mình, mọi thứ phải trở lại như cũ. Nhưng bầu trời vẫn là bầu trời. Còn con ếch vì mải nhìn lên trời đã không chú ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua dẫm bẹp.
Câu chuyện đã đặt ra mấy vấn đề:
- Về môi trường sống tự nhiên: ếch sống trong môi trường giếng, có thể do ngẫu nhiên mà cũng có thể là do sở thích của họ hàng nhà ếch nữa (Giếng đâu thì ếch đó). Môi trường này có ảnh hưởng đến tính cách, nhận thức của đối tượng, như dân gian nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
- Về môi trường xã hội: sống cùng với ếch ở trong môi trường tự nhiên là cái giếng có một “cộng đồng xã hội” gồm: nhái, cua, ốc nhỏ … nhưng ếch nhâng nháo, xấc xược tự coi mình là chúa tể và lấy đó làm oai. Như vậy ếch đã làm vẩn đục môi trường xã hội. Quan hệ ứng xử công bằng, văn minh, hiểu biết giữa “chúa tể” ếch với cư dân đã bị phá vỡ. Tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng khiến các con vật bé nhỏ hoảng sợ là kiểu ngôn ngữ “miệng nhà quan có gan có thép”.
- Về nhận thức thế giới: vì ếch sống trong môi trường như vậy nên nó nhìn thế giới bên ngoài qua cái miệng giếng. Vì vậy ếch hiểu biết ít do điều kiện tiếp xúc hẹp. Nhưng bi kịch của ếch là đã không nhận ra điều đó, ếch cho mình tài giỏi hơn người, thật đúng là “thùng rỗng kêu to”.
- Về tính cách: ếch thể hiện rõ tính chủ quan trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Với cộng đồng ếch huênh hoang, hợm hĩnh “coi trời bằng vung”.
Bốn yếu tố này có mối quan hệ điều kiện – kết quả hoặc nguyên nhân – hậu  quả với nhau. Cái này là tiền đề cho cái kia.  
Một triết gia nào đó đã nói: sự lặp lại lần thứ nhất là một bi kịch, lặp lại lần thứ hai là một hài kịch. 
Cuộc đời của ếch phải chẳng đi từ bi kịch đến hài kịch. Cái kết cục của ếch chẳng ai xót thương mà nó lại mang tính hài hước để giúp chúng ta đi đến một bài học ngụ ngôn: số phận của những người thiếu hiểu biết do nhận thức kém mà lại huênh hoang, hợm hĩnh thì sẽ phải trả bằng những thất bại chua xót khi tiếp xúc với thực tiễn phong phú và sinh động,  mà khi hiểu ra thì sự đã rồi.
Chung quanh chúng ta có rất nhiều người mắc chứng bệnh “ếch ngồi đáy giếng” ở một mức độ nào đó. Nguyên nhân không chỉ do môi trường tự nhiên mà còn do môi trường xã hội, môi trường giáo dục, với người lớn thì do cả môi trường công tác bao gồm cả địa vị, chức vụ, quyền hạn, các mối quan hệ … Tôi được biết trong co quan nọ có một cô là vợ xếp. Vì là vợ xếp nên mọi người cũng có phần kiêng nể, lâu ngày cô ta sinh ra thói hợm mình cho rằng mình giỏi hơn người. Cái gì mình nói cũng là đúng, ai góp ý cũng chẳng nghe, thậm chí là lí sự cùn “cãi chày cãi cối”. Đó cũng là một kiểu “ếch ngồi đáy giếng” khôi hài khá phổ biến trong cơ quan công sở hiện nay.
Tôi nghĩ vấn đề ếch ngồi đáy giếng này chỉ có thể thay đổi bằng nhận thức. Điều quan trọng là chúng ta cần biết chúng ta dốt và cố gắng học hỏi. Phải có tính khiêm nhường, điều gì biết thì nói biết còn điều gì không biết thì bảo không biết, đó cũng là một cách để thoát khỏi tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”.
Hegel – triết gia Đức nói: “Cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì hợp lý”. Ếch bị một con trâu đi qua dẫm bẹp là một kết thúc hợp lí bởi kiểu tư duy của ếch không thể tồn tại theo logic của tư duy.
Người ta chia ra “Năm mức độ dốt” (Five orders of ignorance) như sau:
- Dốt độ 0: hay là không dốt - là có kiến thức về một lĩnh vực nào đó và có thể chứng minh được kiến thức của mình.
- Dốt độ 1: là loại thiếu kiến thức nhưng phải biết là mình thiếu kiến thức. Thiếu kiến thức nhưng có nhận thức, vậy cũng chưa đến nỗi nào. Thiếu kiến thức thì khiêm tốn, cố gắng học hỏi để mở rộng hiểu biết.
- Dốt độ 2: thiếu nhận thức - dốt mà còn không nhận thức được mình dốt. Có lẽ trường hợp “cô vợ xếp” tôi kể trên đây là loại này. “Ếch ngồi đáy giếng” là kiểu dốt độ 2. Loại này khá phổ biến trong xã hội. Tai hại hơn là họ rất tự tin vào “hiểu biết sai” của mình, đôi khi trích dẫn cả nguồn tư liệu sai trái để bao biện cho mình do không thẩm định được độ tin cậy của tư liệu. Có khi lấy cái sai của mình để “dạy bảo” người khác.
- Dốt độ 3: thiếu quá trình - có nghĩa là không chỉ không biết mình không biết, mà còn không có cách nào để cải thiện tình trạng đó. Tôi e rằng trường hợp “cô vợ xếp” kể trên nếu không biết tự nhận thức thì sẽ chuyển từ dốt độ 2 sang dốt độ 3.
- Dốt độ 4: dốt toàn diện – loại này xin miễn bàn. Dân gian có chuyện vui “Dốt có chuôi” để hài kịch hóa loại dốt này.
Ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung không chỉ là nhận xét khái quát về  những người không biết tự lượng cái nhìn hạn hẹp của mình hay không biết cái tri thức bị giới hạn của mình trước cái bao la rộng lớn của tri thức nên đã có những suy đoán hồ đồ về sự vật. Tuy nhiên cũng có thể coi như đây là một định luật tâm lý học: sự vật được tri giác như thế nào là do nơi vị trí đứng của chủ thể tri giác.
Con ếch chưa ra khỏi cái giếng bao giờ, nó không biết rằng thế giới bên ngoài rộng lớn lắm khó khăn nhiều lắm, mọi thứ tuyệt vời lắm. Khoảng cách từ miệng giếng đến bầu trời là chặng đường nhận thức thế giới không dễ dàng gì nếu ta không gạt bỏ tự ngã, cố chấp và biết cầu thị,  …
Hegel nói: “Ai nhìn nhận thế giới một cách hợp lý thì thế giới cũng nhìn nhận người đó một cách hợp lý”.

Đó là một chân lí.

Mời đọc bài liên quan : Bàn về sự dốt