Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

PHIÊU BỒNG CÕI TẠM

             Huỳnh Văn Cát


Trong mênh mông vũ trụ
Trong vô tận thời gian
Trong nhân tình thế thái
Ta lạc loài lang thang.

Niết Bàn, Như Lai ngự
Giê-su quản Thiên Đàng
Ma Vương cai Địa Ngục
Em nữ chúa Trần Gian.

Ta không mơ Niết Bàn
Lánh Thiên Đàng
                  Xa địa ngục.

Hỡi Nữ chúa Trần Gian
Có nghe trong chới với
-Một âm vang
                      Ầm vang.

 Quê nhà, Valentine muộn 23.2.2012

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

QUYỂN SÁCH ƯỚC


Huỳnh Văn Cát

    Ngày xưa, ở dưới chân núi lớn có hai anh khóa, xuất thân từ tầng lớp nông dân, thông minh tài trí hỏn người. tuy còn ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng họ vẫn canh cánh bên lòng mộng ước tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chí lớn gặp nhau nên họ trở thành đôi bạn chí thân. Lúc dùi mài kinh sử, họ sẵn sàng chia xẻ cho nhau cái nghiêng, quản bút, săn sàng tranh luận với nhau một cách quyết liệt về những tư tưởng lớn mang tính thời đại. Lúc thư nhàn họ luyện võ công hoặc đi câu cá. Như vậy có nghĩa là lúc nào họ cũng kề vai sát cánh bên nhau, gắn bó với nhau như hình với bóng.
      Một hôm, đôi bạn chân tình đó bắt chước Khương Tử Nha, rủ nhau ra ngồi câu ở bờ sông Vị để đợi thời phò vua, giúp nước, an dân. Có một điều khác Khương Tử: lưỡi câu của họ là lưỡi câu của một ông lữ đi kiếm sống.


“Từ sớm tinh mơ đến gần chạng vạng, chẳng được con nào, lấy gì đây để làm thức  ăn trong bửa cơm tối đây?” Cả hai đang tự hỏi, thì cá lại cắn câu. Hai cánh tay giật mạnh, hai cái cần vung lên, một con cá nhỏ xíu dính mồi.       Đang lúc cả hai thu xêp đồ nghề theo bóng hoàng hôn, thì trong giỏ cá vang lên tiếng người: “ Thưa hai ông, vì không biết cạm bẩy nên bị các ngài bắt nhốt và sẽ bị xử phanh thây. Xá gì một cái tội  nhỏ nhoi mà các ông bắt tội. Vả lại, với tấm thân bé bằng ngón tay út, được bao nhiêu thịt mà hai ông giết tôi để phạm tội sát sinh.” Người câu được cá cười nhạt: “ Thả mày ra, lấy gì để làm mồi đánh chén tối nay? Hừ...hự... có nhỏ bằng ngón út còn hơn không có lớn bằng cổ tay”- vừa nói anh ta vừa xách giỏ cá lên khỏi mặt nước. Con cá tội nghiệp vùng vẫy trầy vi tróc vảy, khóc rống lên thảm thiết. Động lòng trắc ẩn, anh kia( người không câu được cá) hêt sức van lơn, năn nỉ bạn mình mở lượng hiếu sinh.
      Được trở về dòng nước biếc, con cá vui mừng xin đền ơn tha mạng. Nó cúi đầu cung kính:
  -Thưa hai ân nhân, tôi là thái tứ của vua thủy tề. Cách đây mấy trăm năm, tôi tặng Thạch Sanh môt cây đàn thần. Nhờ món quà vô giá này người tiều phu đốn củi năm xưa đánh tan hàng vạn hùng binh mười tám nươc chư hầu, bảo vệ thành công và vững chắc sơn hà xã tắc. Và được truyền ngôi báu để cùng thiên hạ vui hưởng thái bình...
   Lời cá chưa dứt thì lời người cắt ngang:
        -Thôi, đừng vòng vo tam quốc! Trời sắp tối rồi. Nói thẳng vào vấn đề đi! Con cá thì thầm đủ một ngừơi nghe:
    -Tôi kính dâng ngài một quyển sách có ba điều ước ứng cho cả hai người. Nếu ngài được một thì bạn của ngài được gấp đôi. Nói xong, con cá tung sách ước lên bờ, rồi bơi đi.
   Trên đường về, cầm báu vật trên tay, anh đồ nho ngẫm nghĩ: “ Thật là vô lí, thật là bất công. Bắt được cá, nhốt cá, mình thả cá, mọi việc đều do ta thực hiện. Còn nó chỉ nói mấy câu mà được hưởng quyền lợi gấp đôi sao? Nếu ta ước có một mái ấm gia đình với ngôi nhà sang trọng một cô vợ đẹp, sinh một bầy con trai... thì nó...? Nếu ta ước được làm Tể tướng thì nó làm vua? Ta làm thiên tử, thì nó là hoàng thiên.
  Về đến nhà, anh ta lẩm bẩm:
     -Xin cho tôi chột một con mắt.
     Lời ước thành hiện thực, đôi bạn đèn sách kia thành hai kẻ tật nguyền. Và họ vẫn cứ bè bạn với nhau.
           Thế rồi, đến một ngày kia, đất nước lâm nguy, bên ngoài, bọn ngoại bang đem quân xâm lược, bên trong bọn gian thần giết hại nhà vua chiếm lấy ngai vàng, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Đôi bạn ấy phất cờ tụ  nghĩa
Dân chúng hưởng ứng, anh hùng hào kiệt theo về rất đông vì ai ai cũng một lòng yêu nước ghét giặc. Nhờ có tâm minh, đức sáng của anh đồ mù và tài hùng biện và mưu mẹo của anh đồ chột nên đội quân khởi nghĩa càng ngay càng đông đảo và hùng mạnh. Khi giặc cuồng bị đánh bật ra khỏi biên cương, anh đồ chột  cho thủ hạ thân tín đánh thuốc độc anh đồ mù để mình lên năm toàn binh quyền và đem sách ước ra khấn: “ Xin cho tôi được làm vua, đất nước hòa bình”.
       Lời ước trở thành hiện thực.
 Đât nước hòa bình, nhân dân yên ổn làm ăn
Để tỏ lòng tôn kính của thần dân trăm họ với đấng quân vương, triều đình bàn nhau vẽ tranh vị vua để treo ở nơi tôn nghiêm và  lưu truyền sử sách.
Cuộc thi vẽ tranh ban ra, các họa sĩ tài danh cả nước đua nhau kéo về hoàng cung thi thố tài năng. Tất cả các thí sinh đều đươc hưởng ân huệ, được nhìn tận mặt rồng. Họ vào cung điện ngồi sân rồng  chiêm ngưỡng thiên tử ngự trên ngai vàng trong bộ long phục với nét mặt nghiêm trang đầy uy vũ. Ai cũng muốn làm đẹp lòng thiên tử bằng nét phác họa tài hoa đầy chân thực.   
Vẽ xong bức chân dung truyền thần, các họa sĩ nộp quyển  ra về với niềm hi vọng.
Ban giám khảo chọn một bức tranh giống nhà vua như in, trình lên ngài ngự lãm.Thoạt nhìn tranh, sắc mặt nhà vua đăng đằng sát khí, liền ra chỉ dụ bắt tác giả bức tranh vào quì lạy trước bệ rồng trước sự ngỡ ngàng đầy kinh sợ  của văn võ bá quan. Với giọng giận dữ, ngài thét lớn: “Các ngươi phạm tội khi quân, các ngươi dám dùng nét bút bỡn cợt xúc phạm ta để tung ra bàn dân thiên hạ và lưu truyền hậu thế chăng? (ngài nhìn thẳng vào mặt người họa sĩ) Sao ngươi dám vận dụng thành ngữ dân gian: nhất voi một ngà, nhì người ta một mắt vào bức họa để ám chỉ ta là người độc ác? Sao ngươi dám lộng ngôn bằng cách bóng gió, vẽ ta: lưỡng mục bất đồng , tâm bất chính?. Sao ngươi dám ngầm  bảo ta lòng dạ hiểm sâu mưu mẹo lọc lừa?”. Dứt lời, nhà vua truyền quân sĩ lôi  người họa sĩ đáng thương kia ra pháp trường xử trảm và đuổi quan chủ khảo về lại quê nhà.
     Một năm sau, cuộc thi lại được tổ chức.
Rút kinh nghiêm của người bị chém năm trước, các thí sinh năm nay vẽ nhà vua có đủ hai mắt sáng ngời như nhật nguyệt nổi bật trên khuôn mặt chữ điền nhân hậu với vầng trán cao thông minh. Nói chung là ai cũng cũng đưa nét bút tài hoa đầy lãng mạn có pha một chút nịnh hót tô vẽ vào đường nét vốn có trên khuôn mặt của ngài.
           Bức tranh đẹp nhất được dâng lên và chờ nét châu phê. Mực son mài xong, bút lông chờ sẵn. Các quan đại thần nín thở, mắt dồn về phía nhà vua, hồi hộp đợi  chờ và chắc như đinh đóng cột:bức tranh nầy đã làm đẹp dạ đấng chí tôn. Bất giác,nhà vua đứng dậy trông có vẽ dữ dằn : “Bình sinh ta không thích nịnh hót. Từ xưa đến nay đất nước điêu linh, xả tắc lâm nguy, dân tình lầm than đói khổ đều do lũ nịnh thân mà ra. Ta chỉ là một anh đồ nho xuất thân từ chốn thôn quê nghèo khổ. Do thời thế tạo anh hùng, ta lên ngôi cửu ngũ chăn dắt muôn dân đến chỗ ấm no hạnh phúc. Sao các ngươi dùng nghệ thuật phóng đại tô màu vẽ ta đep trai như một thằng kép hát? Các ngươi dám khi quân, phạm thượng ư ?”. nói xong, vua truyền lệnh chém đầu người họa sĩ vẽ tranh và xử giảo các quan chủ khảo.
            Rồi đến kì thi tiếp theo
Cuộc thi mở ra nhưng không ai còn hào hứng. Các đại thần được chỉ dụ làm quan chủ khảo lo tím ruột bầm gan. Các họa sĩ tài ba không dám về kinh ứng thí. Vì ai cũng sợ ... như  hai kì thi trước.
Rốt cuộc cũng có một người lều chõng đến xin ứng thí.
Lần nầy chỉ có duy nhất một thí sinh nên nhà vua trưc tiếp chấm chọn trong sự hồi hộp chờ đợi của mọi người.
Đôi long nhan độc nhãn ánh lên một hào quang rực rỡ, tay cầm bút ngọc châu phê trong niềm vui khôn tả của mọi người. Nhà vua ung dung đứng lên. Đám quần thần quì mọp xuống cung kính cúi đầu lắng nghe những lời châu ngọc: “Bức họa nầy mới đúng là chân dung chân thực của trẫm. Là người, ai cũng  cũng có hai mặt tốt và xấu tồn tại bên nhau. Trong lòng, thì có thiện, có ác. Trên mặt, thì có nét đẹp, nét đẹp nét xấu tương ứng với những cái ở trong lòng. Thói đời: xấu che tốt khoe và nghệ thuật cũng phải như vậy. Bức tranh này vẽ thể hiên rõ bút pháp xấu che tốt khoe”. Nói xong, nhà vua bảo quân hầu đưa bức họa ra cho mọi người nhìn xem. Ai nấy cũng trầm trồ ngợi khen bức họa nửa khuôn mặt nhìn nghiêng, nửa khuôn mặt không có con mắt chột, và phục tài anh họa sĩ khôn ngoan đáo để ấy.
Đất nước thái bình chư được bao lâu thì quốc nạn xảy ra.
Trong chiến tranh loạn lạc, chúa tôi trên dưới một lòng  sẵn sàng không tiếc máu xương, xông pha trận mạc để đền nợ nước. Trong hòa bình, chúa tôi lại nghi kị lẫn nhau. Vua đam mê tửu sắc, xao nhãng việc triều chính. Một số không nhỏ tướng sĩ trong triều và quan lại đia phương  lo tranh giành địa vị quyền lực, lo vun quắn cuộc sống  cá nhân. Bề ngoài, thì trông có vẻ kĩ cương, nhưng đi sâu vào bên trong thì vận nước đã nẩy mầm suy yếu.
           Tham nhũng, quan liêu, lợi dụng công quyền ức hiếp nhân dân đã trở thành quốc nạn. Đó là hậu quả của phương pháp hiện thực xấu che tốt khoe trong nghệ thuật họa chân dung được các quan vận dụng sáng tạo thành chủ nghĩa thành tích: làm láo báo cáo hay, khó khăn là tạm thời, ưu điểm là chính.   
      Đứng trước tình hình nhiễu nhương ấy, nhà vua đi tìm quyển sách ước. Vì trong đó vẫn còn một điều ước thứ ba.
                                                                              Quê nhà 17.2.2012

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

CHÓ QUAN

                                               
                                            CHÓ QUAN
                                                                      Huỳnh Văn Cát


    Quan đầu xứ ngồi chễm chệnh trên chiếc phản lim to, bóng loáng trong toà biệt thự sang trọng,mắt dán chặt vào những tấm huân chương, bằng khen, giấy khen treo trịnh trọng trên tường,mĩm cười đắc ý:cần gì đạo đức ,tài năng,chỉ cần gian manh đúng luật…thì ta có chức quyền, tiền bạc, biệt thự…đè đầu cỡi cổ thiên hạ.Ông thần tài ôm cái bụng bự, miệng cười rách mang tai khi kẻ cầu xin đến bên ông thắp nhang cầu khấn.Lũ chó bỗng chạy quanh nhà và cất tiếng sủa vang.
   Chó! Chó! Tiếng chó,tiếng người chen nhau báo hiệu điềm lành.Đó là âm thanh reo vui của lũ chó và bà quan chào đón lũ đàn em đem phong bì đến.
   Quan lại cười một mình. Đừng nghĩ quan cười vì mấy chục triệu mà nhầm. Đó là “chuyện thường ngày ở huyện” mà. Quan cười vui vì ông ta vừa đựơc quan trên thân mật tặng mỹ danh QUAN CHÓ.Quan đắc ý với cái biệt danh ấy vì hai lẽ. Thứ nhất là quan nổi tiếng nuôi nhiều chó và dạy chó.Thứ hai là quan có đầy đủ những đức tính của chó: trung thành khôn ngoan và nịnh chủ.
 

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SUY NGHĨ TỪ HAI LỖI NHỎ TRONG SÁCH GIÁO VIÊN NGỮ VĂN 9

Lê Đức Thịnh


Bộ sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV) bậc Trung học cơ sở đã được sử dụng trong nhà trường gần 10 năm nay. Có bao vấn đề nảy sinh từ bộ sách này như quá tải, bất hợp lí, bất nhất. Biết bao hội thảo từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh … được tổ chức để góp ý về chương trình, chỉnh sửa sai sót của bộ sách nhưng thật đáng buồn là những thông tin góp ý dường như không có phản hồi.
Hàng năm, SGK và SGV vẫn cứ tái bản, bản cũ in lại. Chúng tôi vẫn chờ để xem thử bản in mới có chỉnh sửa gì không nhưng vẫn vậy. 
Năm nay, văn bản trong hướng dẫn điều chỉnh giảm tải chương trình từ Bộ GD-ĐT có câu lưu ý rằng giáo viên lấy  bộ SGK năm 2011 làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa, tuy nhiên khi xem lại thì SGK năm 2011 cũng chẳng khác gì SGK những năm trước. Báo hại khi nghe thông tin đó, giáo viên và học sinh đổ xô đi mua SGK mới khiến cho thị trường sách năm nay sôi động hẳn !
Trong bài viết này, tôi không đi vào các vấn đề vĩ mô mà chỉ mạn đàm về hai lỗi sai đã tồn tại trong cuốn SGV ngữ văn 9 tập I từ nhiều năm nay:

1. Trang 67 dòng thứ 15 trên xuống có câu “Các ông vua thời Lê Mạt thì chẳng ra vua …”
Từ mạt trong từ điển TV giải nghĩa là tàn tạ, suy vong . Vậy Lê Mạt có nghĩa là nhà Lê vào thời suy vong.
Nếu vậy thì Lê Mạt phải viết là Lê mạt (không viết hoa từ mạt).
Chúng tôi đã tham khảo nhiều sách lịch sử và tra tìm trên Google cũng nhận thấy kết quả như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng “Mạt” chỉ về triều đại phong kiến, vậy phải viết là “Mạc” mới đúng.
Trong cả 2 trường hợp, chữ “Mạt” đều bất ổn về chính tả.

2. Trong SGK ngữ văn 9 tập I trang 158 có bài tập số 3 như sau :
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
                        (Chính Hữu, Đồng chí)
Trong các từ vai, miệng, chân, tay, đầu ở đoạn thơ, từ nào dược dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển ? Nghĩa chuyển nào hình thành theo phương thức ẩn dụ, nghĩa chuyển nào hình thành theo phương thức hoán dụ ?

SGV ngữ văn 9 tập I trang 181 đã giải bài tập này như sau :
Những từ dùng theo nghĩa gốc : miệng, chân, tay.
Những từ dùng theo nghĩa chuyển : vai (hoán dụ), đầu (ẩn dụ).

Theo chúng tôi (và đa số đồng nghiệp) từ vai dùng theo nghĩa hoán dụ như SGV giải là sailời giải đúng là vai dùng theo nghĩa ẩn dụ.
Trước hết cần xét lại hai cách hiểu về hoán dụ và ẩn dụ từ vựng học:
SGV ngữ văn 9 tập I trang 54 gợi ý ngắn gọn mà chính xác như sau : Ẩn dụ dựa trên hiện tượng giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển có nét nghĩa tương đồng. Hoán dụ dựa trên hiện tượng giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển có quan hệ tương cận về nghĩa.
Xét từ vai trong trường hợp trên ta thấy từ điển Tiếng Việt chỉ rõ các nghĩa của nó như sau :
Nghĩa gốc : chỉ phần nối liền giữa mình với cánh tay (vai người).
Nghĩa chuyển : chỉ phần trong vật gì giống với cái vai (vai lọ, vai kiệu, vai áo).
Và hiển nhiên, mối quan hệ giữa “vai người”“vai áo” trong trường hợp này là mối quan hệ có nét nghĩa giống nhau (tương đồng).
Vậy mối quan hệ ngữ nghĩa giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển trong trường hợp này là mói quan hệ ẩn dụ. Điều đó dường như ai cũng nhận ra.

Chính SGV ngữ văn 9 tập I trang 56 trong trường hợp tương tự đã giải đúng bài tập 1 trang 56 SGK như sau :
Từ “chân” trong câu “Sau chân theo một vài thằng con con” là nghĩa gốc.
Từ “chân” trong trường hợp “… kiềng ba chân” và “…chân mây mặt đất …” dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.
Chúng tôi khẳng định lại lần nữa là SGV đã giải sai trường hợp nêu trên.

Và điều này đã dẫn đến nhiều chuyện bi hài có thật như sau:
Chuyện bi hài thứ nhất : Trong kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2008 ở Quảng Nam, có câu  trắc nghiệm hỏi về trường hợp trên (trích lại bài tập trong SGK), hiển nhiên những người làm đáp án đã chọn giải pháp “bám vào SGV” vì SGV là “pháp lệnh”. Thế là hội đồng chấm đã phản biện cho rằng SGV đã nhầm (sai). Ban ra đề vẫn nhận ra điều ấy nhưng họ cố bu bám vào “pháp lệnh”. Cuối cùng cả đôi bên đi đến giải pháp dung hòa là câu ấy học sinh trả lời là ẩn dụ hay hoán dụ cũng đều đúng và được điểm cả !!!

Chuyện bi hài thứ hai : Khi giáo viên dạy học trên lớp, nhất là những vị có bản lĩnh chuyên môn, khi dạy đến chỗ này, họ vẫn giải trường hợp đó là ẩn dụ mới đúng, SGV giải hoán dụ là sai; tuy nhiên thầy giáo lại nói thêm : Khi đi thi mà gặp câu này thì các em cứ giải là hoán dụ cho đúng với “pháp lệnh” !!!
Trong khi đó nhiều đồng nghiệp của chúng tôi thì vẫn vô tư theo quan điểm : họ viết sách thế nào thì mình dạy thế ấy, cần chi phải tranh cãi đúng sai cho mệt !!!

Mặc dù những lỗi sai này và nhiều vấn đề khác về nội dung chương trình,  chúng tôi đã góp ý bằng văn bản cụ thể trong những hội thảo về chương trình và SGK nhưng không nhận được phản hồi nào.

Từ những câu chuyện nhỏ trên, chúng ta có thể thấy một số vấn đề về hiện trạng của giáo dục:
-          Phản biện trong giáo dục dường như đi vào chỗ không người;
-          Giáo viên vẫn không thoát khỏi tư duy “pháp lệnh” (là SGV và SGK) dù  những pháp lệnh ấy có nhiều chỗ bất ổn, cần điều chỉnh kịp thời.

 Lê Đức Thịnh