Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

NHỮNG HIỂM HỌA BẤT NGỜ CHO NGƯỜI CAO TUỔI


Sưu tầm

Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổi cần phải lưu tâm đề phòng.

Không nên tập luyện vào lúc sáng sớm

Ta vẫn có quan niệm cho rằng tập luyện vào buổi sáng là tốt vì không khí trong lành. Điều đó không đúng. Vì từ 4-6 giờ sáng theo quy luật của đồng hồ sinh học (biological clock) của người già thân nhiệt đang cao, huyết áp tăng, thận thượng tuyến tố cũng cao gấp 4 lần buổi tối, nếu vận động mạnh, chạy hoặc đi bộ nhiều gặp gió lạnh, tim dễ ngừng đập. Đã có không ít cụ đi bộ buổi sáng sớm về ra mồ hôi, tắm xong huyết áp tăng đột ngột, đứt mạch máu não, đột quỵ luôn. Tốt nhất là nên tập vào chiều tối, tuy không khí không được thanh sạch như sáng sớm nhưng an toàn hơn nhiều.

Đang ngủ không nên trở dậy vội vàng

Thần kinh người già thường chậm chạp. Lúc ngủ muốn dậy đi tiểu hoặc có ai gọi đang ở tư thế nằm mà trở dậy ngay, đi lại luôn dễ làm huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến đứt mạch máu não. Vì vậy, đang ngủ khi có việc cần dậy phải từ từ theo 3 bước, mỗi bước khoảng nửa phút. Bước 1 khi tỉnh giấc hãy nhắm mắt lại nằm thêm nửa phút. Bước 2, ngồi dậy tại giường nửa phút xoa tay, xoa chân. Bước 3, cho hai chân chạm đất hoặc chạm nền nhà nửa phút rồi mới đứng dậy đi.

Không nên ngoái đầu một cách đột ngột

Người già mạch máu thường xơ cứng, thành mạch dày hẹp và đàn hồi kém. Nếu đột nhiên quay ngoắt đầu về phía sau, mạch máu ở cổ bị chèn ép, động mạch vốn đã hẹp bị chèn ép lại càng hẹp hơn cộng thêm thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh làm mạch máu co lại, máu lưu thông chậm làm não thiếu máu cục bộ, thiếu ôxy nên bị choáng, hoa mắt, chóng mặt, có người đã bị ngã. Vậy đang đứng hoặc đang đi có ai gọi từ phía sau, chớ có quay ngoắt đầu lại ngay mà nên quay chầm chậm. Tốt nhất là xoay cả người lại, tránh chỉ quay đầu.
Không nên đứng co một chân để mặc quần 

Xương của người già thường bị xốp do thiếu calcium. Nếu không bị xốp thì xương cũng dòn. Khi mặc quần mà đứng co chân để xỏ từng chân vào ống quần dễ bị ngã do mất thăng bằng hoặc do vướng vào quần. Người cao tuổi đã ngã thì dễ gãy xương, dập xương. Khi mặc quần tốt nhất là nên ngồi trên ghế hoặc trên giường. Trong nhà tắm nếu không có chỗ ngồi thì phải dựa mông vào một bên tường để giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Nhiều người bị ngã gãy xương ống chân, dập xương chậu vì đứng co chân mặc quần.

Không nên quá ngửa cổ về phía sau

Có lần một ông già đã về hưu cạnh nhà tôi, sức khỏe tốt, khi ăn tối xong ngồi nghỉ trên ghế tựa, có lẽ do mỏi cổ nên ông đã ngửa cổ về phía sau hơi quá nên bị xỉu luôn. Khi con cháu biết thì nửa người bên phải của ông đã bị liệt, nước mũi nước dãi chảy ròng ròng và không nói được nữa, phải đưa ngay vào bệnh viện. Trường hợp này là do gần mạch máu nơi cổ có nhiều đốt xương, bình thường giữa các đốt có chất nhờn bôi trơn nhưng về già chất bôi trơn kém đi, các đốt xương trở nên sắc cạnh. Khi ngửa cổ ra phía sau quá giới hạn cho phép, phần xương sắc cạnh đó làm tổn thương đến mạch máu, hạn chế lượng máu đưa lên não gây ra thiếu máu não làm ngất xỉu. Vì vậy, người già khi ngồi ghế tựa không nên ngửa cổ quá mức về phía sau.

Không nên thắt dây lưng quá chặt

Vùng bụng quanh dây lưng là nơi gần dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Dây lưng mà thắt chặt quá sẽ chèn ép các mạch máu bụng, cản trở máu lưu thông, đoạn trực tràng gần hậu môn có thể dễ bị lòi ra ngoài khi đi đại tiện mà ta thường gọi là lòi dom. Dây lưng thắt chặt, dạ dày, ruột non luôn ở trạng thái chịu sức ép ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa. Vì vậy, không nên thắt chặt dây lưng và tốt nhất là dùng dây đeo quần qua vai, tiếng Pháp gọi là Bretel. Bình thường ở nhà chỉ nên mặc quần lưng thun rộng rãi, không nên mặc quần Tây cứ phải thắt dây lưng làm bụng luôn bị gò bó.

Khi đi đại tiện không nên rặn quá mức

Táo bón là hiện tượng thường gặp ở người già. Tâm lý khi đi đại tiện không ai muốn ở lâu trong nhà vệ sinh nên thường muốn rặn mạnh để đi cho nhanh nhưng nếu rặn quá sức, mặt mũi đỏ gay rất nguy hiểm. Các khảo nghiệm về y học đã cho biết khi rặn mạnh dễ giãn tĩnh-mạch ở hậu môn gây chảy máu nhưng điều quan trọng hơn là huyết áp sẽ tăng có thể dẫn tới tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Để đỡ phải rặn khi đi ngoài, người già cần ăn nhiều rau quả, chuối, khoai, uống nhiều nước để chống táo bón.

Không nên nói nhanh, nói nhiều

Một số nhà khoa học Mỹ phát hiện khi ta nói chuyện bình thường dù chỉ là chuyện vui nhẹ nhàng, các tế bào trong cơ thể vẫn chịu tác động và ảnh hưởng tới huyết áp. Thử nghiệm khoa học với 100 người, mỗi người đọc 2 trang tài liệu với tốc độ nhanh chậm khác nhau. Kết quả cho thấy người đọc tốc độ vừa phải thì huyết áp, nhịp tim bình thường. Người đọc nhanh quá, đọc liến thoắng thì lập tức huyết áp tăng, nhịp tim tăng nhưng khi đọc thong thả trở lại, huyết áp, nhịp tim lại giảm xuống. Qua đó ta thấy người già nên nói ít, nói chậm thì có lợi cho sức khỏe. Những cụ nào bị bệnh tim mạch, bị huyết áp càng phải nói chậm, nói ít.

Không nên xúc động

Đối với người già mạch máu đã lão hóa nếu xúc động mạnh, quá giận dữ hoặc quá vui dễ bị nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não. Do đó, người già không nên xúc động tránh mọi sự tức giận, buồn phiền mà cần sống thanh thản, hòa nhã, vui vẻ, bỏ qua hết mọi chuyện, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.

Có một câu nói rất hay: "Đừng để chết vì thiếu hiểu biết". Vì thật ra đã có rất nhiều người chết vì thiếu hiểu biết kể cả những người còn trẻ. Qua sự hiểu biết ít ỏi của bản thân, qua kinh nghiệm cuộc sống và qua tham khảo các tài liệu y học mới nhất, mong rằng với bài viết ngắn này sẽ giúp các bậc cao niên sống lâu, sống khỏe, sống vui tăng thêm nhiều tuổi thọ.

 Nhà văn Phạm Viết Đào  

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

HẮN

   Huỳnh Văn Cát

     Tiếng nhạc réo rắc những cung bậc du dương trầm bổng dìu theo giọng hát Khánh Li với nhạc khúc "Một cõi đi về". Họa mi cao giọng hót điệu hoài ca về những ngày tự do giữa bầu trời cao rộng. Theo âm điệu thánh thót ấy, mọi vật như cựa mình, trời xanh hơn, hoa tươi tắn và đượm hương hơn, ông mặt trời hồng tươi hơn. Trên ngọn cây lộc vừng roi rói lộc non, mấy chú chào mào từ đâu bay về, chân chưa  chạm cành mà miệng đã thánh thót kêu vang khiến đồng loại trong lồng nhảy tung tăn và hót lên bài ca bất tuyệt. Cô tiếp viên  thân ngọc nõn nà lồ lộ sau lớp vải mỏng của bộ cánh rất hợp thời trang bưng li cà phê đến, lịch sự đặt li cà phê bốc hơi thơm ngát lên bàn. Đó là một buổi sáng đẹp trời ở vùng đất mà hắn cất tiếng chào đời. Thế mà hắn cứ dửng dưng.
     -Xin mời anh ạ! Cô tiếp viên tươi cười niềm nở chào mời nhưng hắn vẫn lạnh lùng, thản nhiên, mắt đăm chiêu về một khung trời xa lắc.
 “Ngày ấy, trong một tiết toán :   2x5= ?
    Thầy Bình hỏi cả lớp: “Bàn tay em có mấy ngón? Hai bàn tay em có mấy ngón?
  “Thưa thầy, bàn tay em có năm ngón. Hai bàn tay em có mười ngón ạ”. - Cả lớp đồng thanh.
  Riêng hắn: “Thưa thầy bàn tay em có năm ngón. Hai bàn tay em có  mười một ngón ạ”. Thầy Bình hỏi đi hỏi lại ba lần, hắn vẫn trả lời chắc nịch như đinh đóng cột: "hai bàn tay em có mười một ngón ạ". Thầy Bình nộ khí xung thiên quên hẵn mình là nhà giáo đươc nhà nước phong tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua (cấp tỉnh)" suốt mấy năm liền: “Ê, thằng dốt lên đây”.
 Để cho hắn nhớ đời, thầy bắt hắn tháo khăn quàng đỏ quấn quanh hai bàn tay chụm lại và bảo cả lớp tham gia trò chơi đốt pháo.
Người "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh" hướng dẫn trò chơi : “Mỗi tép pháo tay có năm viên, hai tép pháo tay có mười viên. Lửa dâu chích vào”.

  Thầy dùng que thước gỗ đập mạnh mười ngón tay của hắn đến rướm máu.
    Cả lớp cười hồn nhiên.
    Hắn cố chịu đựng.
    Cả lớp cười.
   Và  ở cuối lớp con bé Lan, cùng xóm, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc nhỏ từng giọt long lanh..
   Rồi hắn cắn răng lấy hết sức, gồng mình chụp lấy cây thước. Hắn và thầy Bình giằng co nhau. Dĩ nhiên thầy Bình giật được thước. Trong cơn điên cuồng dại dột, thầy Bình đánh hắn mấy bạc tai nẩy lửa. Cũng bình đẳng trong cơn điên, hắn lượm cục gạch ném vào mặt đối thủ bất đắc dĩ và không cân xứng. Máu me bê bết. Hắn cút về nhà ngồi khóc hu hu .
  Dĩ nhiên hắn bị đưa ra hội đồng kỉ luật về tội học dốt và vô lễ với thầy. Cũng may, có thầy Ba ra biện hộ. Nó mới được cảnh cáo dưới cờ và được chuyển lớp. Hắn học hết lớp ba, thầy Ba lại đổi đi trường khác.
 Hai bàn tay hắn có mười một ngón hẳn hoi. Rứa mà...”
Đã nhiều lần Hắn định đi giải phẩu cái ngón tay oan nghiệt đó nhưng không có tiền nộp viện phí.
 Li cà phê từng giọt rơi tí tách bốc lên mùi thơm ngào ngạt tan trong mùi khói thuốc. Một cái nhìn đằm thắm của một dáng kiều thơm đậu vào gương mặt hắn.
 Cơn tức chưa kịp bùng phát thì một cảm giác ngọt ngào chợt đến.
Hắn cứ miên man:
     “Ngày ấy hắn sống hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ trong  mái nhà tranh bên dòng kênh xanh có nhịp cầu tre lắt lẻo. Hằng ngày, mẹ bồng hắn ra dòng nước mát tắm rửa. một ngày như mọi ngày cơm lành canh ngọt. Rồi một ngày khác mọi ngày, ba mẹ nó cãi vả tưng bừng về một người thứ ba. Không ai chịu thua ai, cả hai cầm đơn ra tòa li dị. Hắn bị bơ vơ".
  Hắn lầm lì . Ở lứa tuổi mười bảy, hắn lầm lì.
  Đời không thương hắn, hăn đếch thương đời và hắn quyết định giết một người rồi vào tù. Nếu ra tù sớm, hắn sẽ giết thêm vài người nữa rồi chết chung. Hắn rút con dao bóng loáng sắc nhọn đến rợn người.. Rồi hắn điểm danh từng đối tượng và soạn từng bản cáo trạng như Viện kiểm sát nhân dân và tuyên án như một quan tòa.
 Tội phạm đầu tiên chính là người sinh ra hắn... Tội sinh con rồi bỏ bơ vơ.
 Tội phạm thứ hai là thầy Bình đánh đập vô cớ và tàn nhẫn trước bạn bè về câu hỏi: "Hai bàn tay có mấy ngón"? Tội làm thầy mà không nhạy cảm trước một câu trả lời chính xác 100%.
 Tội phạm thứ ba là ai? Là lũ quan tham, cái lũ miệng  luôn hô hào vì Đảng vì dân mà tay móc tiền về làm giàu cho mình.
 Hớp một ngụm cà phê, liếm liếm bờ môi. Mặn đắng. Mắt hắn bỗng long lên.
  Sau lưng hắn, một người đàn ông bệ vệ ôm cặp bước vào. Hắn liếc xéo một giây rồi lẩm bẩm :“Đúng rồi! chính nó đây rồi. Mặt nung núc thịt, bụng phệ, bộ cánh sang trọng rất xứng với đôi giày Hoàng DZa thứ thiệt và mái tóc trơn mượt ngã màu hoa râm”.

 Giờ hành động sắp bắt đầu
  Bỗng có một đôi mắt ướt lung linh một màu kỉ niệm nhìn hắn. “Tâm có nhận ra Lan không? Con bé học cùng lớp ngày xưa đây nè”.
   Cả hai hòa vào kỉ niệm, cả hai râm ran tiếng cười, có lúc bốn mắt nhìn nhau cay cay.
Những dòng nước mắt đồng cảm chua xót cho số phận, những dòng nước mắt thương nhớ thầy Ba, người thầy khả kính, không biết chừ thầy ở đâu để hắn từ biệt thầy trước khi hành động dã man.
 “Lan ơi mầy tha lỗi cho tao và thầy ơi, thầy tha lỗi cho em”.
 Con Lan sững sờ trước giọng điệu bất thường và dáng đi đường bệ của hắn bao nhiêu thì lại càng kinh ngạc bấy nhiêu trước hành động rút con dao bóng loáng và tiếng kêu man dại...
  Người đàn ông có vẻ như một quan tham đứng phắt dậy, nhanh như cắt, lách sang một bên. Con dao cắm phặp vào thành ghế. Ông sấn tới đánh bốp vào mặt hắn một cái nẩy lửa và ra lệnh như một người cha:
  - Quì xuống thằng mất dạy, sao mày hư đến thế?
 Như một con chiên ngoan đạo, hắn quì xuống vòng tay cúi đầu, miệng lắp bắp:
   -Thưa thầy ,em có lỗi với thầy, thầy Ba ơi!... Thầy Ba đỡ hắn dậy dẫn vào bàn gọi thức uống. Hớp từng giọt sữa nóng vào người, hắn nhớ lại ngày xưa còn bé.
Nhìn con Lan, hắn nhớ kỉ niệm học trò. Hắn như một con người mới mẻ hoàn toàn. Nghe hắn trình bày ý định điên rồ, Thầy ba cười tếu táo một mình : “ À thì ra, mình ăn gạo lức muối mè mà bộ dạng lại giống quan tham và không ngờ đứa học trò của mình lại cũng yêu ghét rạch ròi đến thế.
 Hắn cũng bâng khuâng:" may mà ..."
 Cây trong vườn ánh lên sắc vàng tươi roi rói. Chim trong lồng hót véo von hòa cùng tiếng chim trời gọi bầy thánh thót. Khách thưa dần .

         Giao Thủy/ một ngày hè 2012

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

NẮNG VÀ EM

                          Huỳnh Văn Cát   ( tặng bạn thân yêu)





                   Chang chang nắng hạ oi nồng
                   Lòng anh cháy lửa
                   Sợ chồng em ghen
                   Vi vu gió thoảng ngoài hiên
                   Tưởng chân em bước về miền yêu thương
                  Yêu ai (?!)
                  Trằn trọc đêm trường
                  Lên bờ xuống ruộng thành chương sử tình

                                                        Quê nhà - 12.5.2012


Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

TRÊN DẢI THIÊN HÀ

                           Huỳnh Văn Cát


Tranh của họa sĩ  Thùy Vân (Hội MT Tp Hồ Chí Minh)

                   Ngày xưa trên dải thiên hà
               Mây ôm bóng nước, nước hoà bóng mây
                   Tiên nương dáng ngọc phô bày
               Tiên ông thi tửu vui say cầm kì

                  Ngày nay trên dải thiên hà
                Mây mù che phủ những toà nhà cao
                   Sông Ngân khuất lấp chốn nào!
                Quạ đen biệt tích cầu Ô mất rồi
                
                                                  ( Tặng họa sĩ Thùy Vân)

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

CHỜ HƯU

                                                                Lê Văn Bảy



                     Quen dần với cảnh về hưu
                 Sáng thì ngủ nướng chiều vui tại nhà
                     Bữa cơm đạm bạc chan hòa
                 Bóng bàn,cờ tướng cũng là niềm vui

                     Khi nàng thơ ghé thăm chơi
                 Cũng bằng cũng trắc đôi lời vào ra.
                     Anh em bè bạn gần xa
                 Mời nhau chén rượu cốc trà mà vui

                     Ai rồi cũng đến thế thôi
                 Hết quan rồi lại đến hồi về dân
                    Đời quan chỉ có một lần
                 Nhưng còn vạn đợi là dân ấy mà

                   Cái gì rồi cũng phôi pha
                 Còn chăng là chút tình ta với đời.

                                            Đại Lộc - một chiều xuân

DANH NGÔN


                           Huỳnh Văn Cát sưu tầm

         Trí thức được coi thực sự là trí thức, đó là kết quả của sự suy nghĩ, tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ.
                                    (Léon Tolstoi)


          Tình cảm thực sự là tình cảm, đó là kết quả của yêu, thương, hờn, giận, tranh biện thực lòng, chứ không phải là lấy lòng nhau.
                                        (Henry Cát)
   

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

HÒ KHOAN ĐỐI ĐÁP

                            Huỳnh Văn Cát ( sưu tầm)

        Anh đi đâu mà  quạt giắt sau lưng?
     Hay là muốn làm ông thủ quản giữ cái chùm rừng cho em.

            Rừng em cây cỏ âm u
        Cần chi anh giữ để thằng cu anh giữ giùm.

       Cu anh cu dỏm cu già
   Làm chi giữ nổi cái rừng già của em?

            Em đừng ngộ nhận cu già
       Tả xung hữu đột vô ra đã từng
          Của em chỉ có một rừng
       Thằng cu anh chốt ở giữa thì em ưng cái bụng liền

                                ( Ghi theo lời kể của một người bạn)

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

THƠ ... THƠ ...

                                            CON TẰM

                             Phù sinh trong cõi trăm năm
                     Yêu đời ta trọn kiếp tằm nhả tơ
                            Kén dày vàng óng ước mơ
                     Nhẹ nhàng cánh bướm lững lờ trơì xanh.


                                            CON NHỆN



                           Nhìn trông lũ nhện lăng xăng
                     Qua qua,lại lại tơ giăng lưng trời
                           Giăng tơ bắt bướm,bắt ruồi
                      Vì đời hay chỉ tìm mồi kiêm ăn?


                                             CON TIM



                            Ai xui em đến,em đi
                       Trời xui gặp gỡ làm gì hả em?
                             Để chừ nghe nhói con tim
                      Bâng khuâng thương nhớ cánh chim mịt mùng

                                                                 Huỳnh Văn Cát
                                         

NHÌN

Huỳnh Văn Cát (tặng anh em bạn bè)


Trời sinh cho con người đôi mắt để mà nhìn ... mà ngắm ...
Ngắm vẻ đẹp uyên nguyên thời hồng hoang:

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà                                                                                                                                                 Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”
                                    (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Nhìn đời, nhìn sâu vô đôi mắt. Mắt trắng dã, môi thâm xì, da thiết bi. Thằng đàn ông có mắt, có môi, có da như rứa là thằng nham hiểm, ngu si và láu cá.

Nhìn những người bạn của anh, tôi biết anh thuộc loại nào.
Nhìn đám cận thần, tôi biết nhà vua như thế nào.
Nhìn tôi trung, thấy vua hiền.
Nhìn bề tôi gian manh giảo hoạt, biết người ngồi trên ngôi cao chín bệ  là hôn quân.

                    “Rau nào, sâu nấy,
                 cha mẹ nịnh thần, con mấy trung lương”.

                          Bạn nào, bè nấy
                          Cha nào, con nấy.
                          Quân nào, thần nấy.

Cứ nhìn sâu vào cuộc đời trăm năm:

          Gieo nhân, gặt quả.
          Gieo gió, gặt bão.


Bởi vì:

     “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
    Cao phi viễn tẩu giả nan tàng”.

                                            Giao Thủy - rằm tháng Tư / Nhâm Thìn