Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

GIANG SAN MỘT LỒNG


                            Huỳnh Văn Cát

                                  ( Tặng Trí, Tùng, Phùng
                                     và các bạn làng Cu  cả nước)


               Cây xanh trong gió mơ màng
           Tiếng chim thánh thót, râm ran cúc cù…
              Xa, chiêu; gần, thúc; sát, gù…
           Nhặt- khoan, đồng xướng - cương – nhu, thổ tùy

             Yêu thương, giây phút mê li
           Đưa tình mắt liếc, thầm thì cầu sa (sa cầu)
             Thẹn thùng chi dưới dang ra
           Chi trên nhịp nhịp thiết tha chào mời

             Hờn ghen, lở đất long trời
           Lá cà giáp trận quyết chơi tới cùng
             Đầu cương mắt trợn mang phùng
           Xàng xê qua lại chân rung…miệng cù …
           
              Lèo, lèo thúc rút liên tu
           Vu Sơn tới đỉnh, trăng lu non đài
             Chân chồn gối mỏi thài lai
           Lồng ra đủ nước, chết cha cu trời
             Hăng say lồng tiếp tục chơi
           Gù gù thúc thúc nhoi nhoi lại gù

              Thú gì bằng thú chơi cu
           Mặc cho miệng thế khôn ngu luận bàn
             Riêng ta, ta cứ thanh nhàn
           Càn khôn một túi, giang san một lồng

                              Giao Thủy một ngày hè 2013

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

MỘT VÙNG SÔNG NƯỚC HÒ KHOAN


                                Huỳnh Văn Cát
            
Trên mỗi vùng miền của đất nước thân yêu đều  có một dòng sông cái và các nhánh sông con. Trên mỗi một dòng  sông  lại có những câu hò điệu hát mang phong cách rất đặc trưing. Nếu ở xứ Thần Kinh “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo, Sông Hương nắng đục mưa trong”, có điệu hò mái nhì mái đẩy ngọt  ngào được cất lên từ đôi môi tươi hồng của cô gái, chàng trai thanh lịch khiến lòng người lữ khách vấn vương thì ở “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” lại có điệu hát hò khoan rất thiết tha nhưng vô cùng sống động. Điệu hát dân gian nầy gắn liền với công việc lao động hằng ngày cũng như trong những lúc nông nhàn. Ở đâu có con người,nhất là có nam có nữ, là ở đó rộn lên tiếng hát tiếng cười. Nghệ nhân hầu hết là những kẻ chân lấm tay bùn không có điều  kiện học  hành. Họ mù chữ nhưng rất sáng nghĩa. Họ không biết phép làm thơ nhưng họ biết gieo vần sáng tạo. Mọi cung bậc tâm hồn, mọi cảm xúc thẩm mĩ… họ đều bày tỏ trực ngôn. Họ hát để mua vui, giải trí là chính.  
            Nói đến hò khoan Quảng Nam, ta không thể nhắc đến vùng hò khoan Đại Lộc, vùng đất có sông Đào, núi Lở, nằm ở tả ngạn Thu Bồn và hai bờ Vu Gia. Có thể do địa hình khá đặc biệt: núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú nên người Đại Lộc có tâm hồn phóng khoáng, có sự nhạy bén trong ứng tác thi ca chăng?
            Thuở ấy, dòng nước Thu Bồn xanh trong, dòng nước Vu Gia xanh biếc  gặp nhau Giao Thủy, tạo thành vùng phù sa màu mở mà khúc sông Quảng Huế là nơi nhộn nhịp, một đia điểm giao thương và cũng là điểm giao thông đường thủy lên Nguồn xuống Phố, nơi “mít non gởi xuống , cá chuồn gởi lên” đều ghé lại. Khúc sông ấy ngày nay không còn nữa nhưng địa danh ấy vẫn sống mãi trong câu hò mà âm điệu hò khoan như mơ hồ lẫn khuất đâu đây:
            Kể từ Quảng Huế ra đi
            Kiểm Lâm, Lệ Trạch, Vân Ly, Đa Hòa.                                                     
         Chính nơi đây đã từng  rộn lên những câu hò đối đáp rất dí dom. Họ là những nghệ nhân vô danh  nhưng tên tuổi của họ vẫn tồn lưu trong tâm thức của  người Đại Lộc. Tôi muốn nói đến hai nghệ nhân Năm Trâu (Phú Sơn – Đại Nghĩa), ông già mù ăn xin  và nghệ nhân Ba Xuân (Quảng Đại – Đại Cường), người đưa đò ngang…
            Ba Xuân đã từng nghe tiếng Năm Trâu có giọng hát hay, đối đáp tài tình nên đem lòng ngưỡng mộ. Một hôm bỗng thấy Năm Trâu cầm gậy theo sau đứa cháu nội, chân bước dò dẫm xuất xuống đò, Ba Xuân cất giọng cợt đùa:
            …….
            Ơ…ơ..hơ.. .
          Lâu ngày mới gặp anh Năm
            Khoan khoan hò lại để tôi hỏi đôi lời
            Hố hợi là hò khoan …

            Tiếng hát vừa dứt thì trong đám đông có kẻ reo lên: “Ba Xuân hát xỏ Năm Trâu rồi…” Câu nói còn dở dang, thì không gian bỗng lắng xuống, vì Năm Trâu đã cất giọng thổ pha đồng:
            ……
            Rủ nhau xuống phố chơi Xuân
            Mua vài chun hồng mao trắng về may cái quần cho mỹ di
            Vợ nhà hắn mới nói làm ri
            Đem nhuộm xanh non quạch quạch, để đến khi có tỳ cho dễ thay.
            Xuân chào Năm Trâu bằng khoan khoan, hò lại (tiếng bảo trâu dừng lại)thì Năm Trâu cũng chào Xuân bằng một câu hát thâm trầm(dùng cái tên Xuân gắn với cái việc đàn bà có tì.
Đò ngang rộn ràng tiếng hát, thì đò dọc cũng râm ran tiếng cười.
            Cô lái đò dọc có cái tiểu tật sứt môi đang thả hồn theo cánh buồm lộng gió sắp tách bến, bỗng xốn xang bởi  câu hò châm chọc của một anh chàng có cái tay cán vá ( đồ dùng múc canh):
        ….
            Xuống đây bách bộ cho rồi
            Bởi sợ mưa to gió lớn, chỗ ngồi không mui
      ….
       Hướng mắt về phía người hát và đậu trên gương mặt anh ta một cái nhìn cười cợt, cô lái đò khoan nhặt:
           …
            Cái việc ấy  anh cũng chẳng nên lo
            Nước sôi anh không sợ, thì lửa lò anh sợ chi.
          …
Đúng là “bốn chín gặp năm mươi”. Nếu khách đò dọc dùng cụm từ “chổ ngồi không mui”(mui ghe) để bơn cợt cái tật sứt mui(môi) của cô lái, thì cô ta lại dùng câu “nước sôi anh không sợ, lửa lò anh sợ chi” (lửa lò là thứ lửa ngọn lò lên quanh nồi canh) để ám chỉ đối phương có tay cán vá.
Giáo Củng ( người Đại Cường),ông giáo già có máu văn chương chống gậy đứng nghe, chẳng may, bị ngã. Cô lái  đò dọc liền lấy chữ nghĩa trong Thảo Roi ( tên một bài võ dân tộc) ra châm chọc:
          …
 Bái tổ quan âm, bái tầm loan thế
Thân phận thầy chừ như ghế ba chân
Giáo Củng vừa chống gậy đứng dậy vừa hát lại thật nhanh trươc khi thuyenf rời bến:
 Hòanh khai hổ khẩu phục địa lôi
Cô cho tôi đóng một cái, đóng rồi đủ bốn chân
Cả vùng sông nước ầm lên tiếng cười khoái trá
 Trong cuộc sống hiền hòa đầy chất nhân văn của ông cha ta ngày trước Thu Bồn và Vu Gia đã kết tình thân ái , tạo nên địa danh Giao Thủy trù phú nên thơ và khúc sông Quảng Huế ngày đêm vang vọng câu hò điêu hát. Trong cuộc sống bon chen, tranh đoạt của chúng ta ngày nay, Thu Bồn, Vu Gia măt nước luôn đục ngầu, giân dữ, cánh đồng dâu xanh gần trăm mẫu đã trôi về biển đông. Và khúc sông xưa dã “biến vi tang điền” theo qui luật tự nhiên. Thế nhưng, cái vùng sông nước hò khoan ấy vẫn muôn đời tồn tại với thời gian như một nét văn hóa đắc biệt của một vùng miền góp phần tạo nên diện mạo chung của nền văn hóa dân tộc, nếu chúng ta dày công sưu tầm và lưu giữ.
                                                  Giao Thủy mùa xuân 2013