Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (II)

                                 (phần II - tiếp theo và hết)

Truyện vừa của H. V.

Trời chưa sáng hẳn, Đại có mặt tại Bến Tàu Du lịch Ninh Kiều. Nhìn ghe, tàu ... dập dềnh trên sông, trong lòng nôn nao. Vài phụ nữ ăn mặc tuy đơn sơ, nhưng khi sử dụng tiếng Anh để mời chào khách du lịch nước ngoài lại rất tự tin, ở thành phố có một số cô gái tuy bề ngoài xinh đẹp nhưng lại nghèo nàn kiến thức. Câu nói “Đừng xem mặt mà bắt hình dong” quả là không sai.
Đại nhìn giờ trên điện thoại, sắp năm giờ rồi. Ngọc vẫn chưa đến. Có khi nào bị cho “leo cây” không? Đến lúc sốt ruột nhất thì có tiếng của Ngọc vang lên phía sau “Xin chào anh”. Đại quay ngoắt lại. “Chào em”. Ngọc chỉ chiếc tàu màu xanh. Cô nói là đã thuê nó vào tối hôm qua, sau khi Đại về. Giá bốn trăm ngàn”. Ngọc quả là một cô gái năng động, dù đang có tâm sự mà vẫn chu đáo cho chuyến đi tham quan sáng nay như đã hứa. Anh càng mến Ngọc hơn.
Chủ tàu kiêm luôn lái tàu, là một thanh niên trẻ có thể chưa qua tuổi ba mươi. Gương mặt sáng sủa, ăn mặc lịch sự, nói chuyện liếng thoắng, có vẻ rất chuyên nghiệp. Đại ngồi hàng ghế phía sau Ngọc. Tóc cô buộc cao bằng một băng thun có kim tuyến, để lộ chiếc cổ thon và trắng. Thỉnh thoảng Ngọc nói tên những địa danh khi tàu lướt qua, trời còn lờ mờ, mặt sông lấp lánh, tàu chạy chậm, gió xuyên qua áo thắm vào da, mát và dễ chịu làm sao.
Tàu chạy khoảng 30 phút thì cảnh chợ nổi đã hiện dần. - Quao! Tai nghe không bằng mắt thấy! - Đại thốt lên.
- Bây giờ hãy còn sớm, chợ chưa nhóm nhiều, nhưng thế này hay hơn, anh có nhiều thời gian ngắm nghía và thưởng thức cảnh sinh hoạt trên sông. - Ngọc nói.
Đại thấy hầu như tàu ghe nào cũng vậy, trước mũi tàu treo vật gì đó trên cao bằng một cây sào, giống như dựng cây nêu ngày Tết vậy.  Anh buột miệng hỏi:
 - Họ treo những thứ đó để làm gì vậy?
- Dạ, đó là các loại hàng hóa mà họ treo lên để rao bán. - Chủ tàu nói.
- Phải! - Ngọc nói phụ họa: - Tàu nào bán thứ gì thì treo thứ đó lên trước mũi tàu bằng một cây sào, người địa phương gọi là “cây bẹo”. Hành khách nhìn vào những “cây bẹo” sẽ biết trên tàu đó bán thứ gì. Anh nhìn xem tàu kia treo một chùm củ hành tím, còn tàu nọ treo một nải chuối. Còn tàu này treo một chùm dâu, một nhánh trái vú sửa, bầu bí, dưa hấu, khoai lang, khoai mì....đủ các loại nông sản miệt vườn.
Đại rất hứng thú với kiểu bán hàng đặc trưng ở miệt vườn. Anh ngắm cảnh tượng trên sông, tàu ghe nào cũng chất đầy ắp trái cây, rau cải, ....thể hiện sự trù phú, đa dạng ở vùng sông nước. Có tàu còn bán cà phê, thức ăn nửa, như một quán ăn lưu động vậy. Kể cả các dịch vụ chăm sóc sắc sức khỏe và làm đẹp, cắt tóc, gội đầu, “massage”, xông hơi, cạo gió, bấm huyệt.... Không thiếu thứ gì cần thiết cho sự sinh hoạt hàng ngày. Chợ tuy là chợ nổi, không có bảo vệ hay công an, nhưng sinh hoạt của chợ nổi rất văn minh, không chụp giựt, chèo kéo, kêu réo í ới, o ép khách hàng. Du khách muốn đến ghe hay tàu nào thì đến đó, thích thứ gì thì tự chọn thứ đó. Lới nói, cử chỉ của những người bán hàng cũng rất bình dị, tiếp đãi ân cần, lịch sự, miệng lúc nào cũng nở nụ cười hồn nhiên. Quả thật người dân nơi đây để lại trong lòng Đại một ấn tượng hết sức đặc biệt. Đại không bỏ lở cơ hội, chụp thật nhiều hình bằng điện thoại của mình.
Chủ tàu hướng về phía chúng tôi nói: - Anh, chị có muốn lên bè mua trái cây không, trên đó bán trái cây miệt vườn, đặc biệt là cà phê và điểm tâm sáng vừa ngon vừa rẻ.
Không chờ tôi có ý kiến, Ngọc quyết định: - Chúng ta lên đó đi!
Tàu lượn qua lượn lại vài dòng để len lõi qua các tàu, ghe khác, cuối cùng chúng tôi cũng bước được lên bè trái cây. Rất đông khách du lịch, họ mua rất nhiều trái cây, nhất là mãng cầu dai và trái vú sửa, cô gái đưa cho tôi một trái vú sửa màu tím nói “Anh ăn thử đi, loại vú sửa này trồng ở miệt vườn Cái Sâu, có vị ngọt đậm đà, mùi thơm như sửa”.
Đại định bẻ trái vú sửa ra làm đôi, Ngọc ngăn lại “Đừng! Anh phải “bóp” nó thật mềm thì ăn mới ngon”. Ngọc vừa nói vừa bóp nhè nhẹ trái vú sửa trên tay mình, cô giựt cái cuống lá ra ngoài, đưa lên miệng mút. Đại làm theo cách của Ngọc. Vị ngọt và thơm tươm vào miệng, chạm vào lưỡi đi xuống đến cổ họng. Ngon thật. Thơm và ngọt như sửa. Đại nói. Ngọc đưa cho anh một trái nữa. Và Đại đã ăn liên tiếp ba trái. Vẫn còn muốn ăn thêm. Nhưng lại thôi.
Mặt trời từ từ nhô lên, màu đỏ rực. Cảnh chợ trên sông náo nhiệt hơn, tàu ghe đến nhiều hơn, tiếng người cười nói rôm rả. Chúng tôi trở lại tàu. Đại vẫn ngồi hàng ghế phía sau Ngọc. Từ một chiếc ghe nào đó vọng lên câu hát ngọt ngào.
“Về miền Tây thăm đất Hậu Giang
Thương câu hát để ru bao đời
Thương cây lúa lớn nhanh theo người
Dầm mưa dãi nắng, tưới xanh ruộng đồng
Đời vui nước trôi ngược dòng
Tình phù sa tuy đục mà trong
Trông con nước nó trôi lạnh lùng
Thương ôi chín nhánh sông quê mình
Cần Thơ gạo trắng nước trong là đây”
Đại hỏi bài hát gì nghe hay quá. Ngọc nói đó là bài hát Đàn Sáo Hậu Giang của nhạc sỹ Trần Long Ẩn.
Tàu vào bến. Trả tiền cho chủ tàu xong, Đại có ý định dìu Ngọc, tỏ chút phong độ lịch lãm của đàn ông, nhưng con tàu bất ngờ nghiêng một bên khiến anh suýt ngã, Ngọc vừa nắm tay áo của Đại để giữ thăng bằng vừa cười khút khít. Anh lên trước đi, em quen rồi, con gái Miền Tây mà anh. Đại ngượng ngùng. Ngọc còn nán lại tàu nói vài câu gì đó và đưa tiền cho chủ tàu. Đại tò mò hỏi, cô nói là lì xì cho đứa con trai nhỏ của cậu ấy, Ngọc đã gặp mặt cách đây ít lâu, trong lần chủ tàu mang con trai đi theo.
Đại ngầm hiểu đó là tiền bo, do Ngọc nói tránh đi là lì xì cho con trai chủ tàu, anh hơi ngượng vì anh đã quên mất khoản này. Anh đề nghị hoàn lại tiền cho Ngọc. Cô nói anh đừng để ý chuyện đó. Cô đưa anh vào một nhà hàng nhỏ cặp bờ sông để ăn sáng. Chúng tôi cùng ăn món bún riu cua đồng. Không biêt đã bao lâu,  hôm nay anh mới thưởng thức món ăn dân dã này. Vị ngọt của cua đồng, vị chua của cà hòa với vị cay của ớt làm cho anh thấy ngon miệng vô cùng.
- Rất ngon! Đại tấm tắc khen. - Mùi vị khác hẳn trên thành phố.
Đại uống cà-phê đen. Ngọc chọn cho mình sửa đậu nành nóng.
Ngọc nói cảm ơn Đại. Anh ngạc nhiên, rõ ràng mình đã làm phiền cô ấy, sao cô ấy lại nói cảm ơn mình. Ngọc tiếp: - Vì anh cho em cơ hội làm người hướng dẫn ngày cuối cùng, ngày mai thì em sẽ không có cơ hội để làm công việc này nữa. Ngọc cúi xuống, đôi mắt tập trung vào chiếc muỗng khuấy nước trong ly thành từng vòng tròn.
Đại hít một hơi thật sâu, liều lĩnh hỏi cô một câu mà anh sợ chạm vào sự uẩn khúc của cô. Có phải em rất yêu thích công việc này? Ngọc im lặng. Cô vẫn né tránh sự tò mò của Đại. Nét mặt đăm chiêu. Em có coi anh là bạn không? Có. Nếu có, em có thể nói vì sao em phải từ bỏ một công việc mà em yêu thích không? Sao anh biết? Vì anh là thầy bói mà. Ngọc cười với cách nói của Đại. Nhưng vì sao anh đến đây mà không có mục đích? Anh nói rồi, anh có tâm sự. Tâm sự gì? Em thử đoán xem. Em đoán là anh bị thất tình. Nói xong. Ngọc che miệng cười. Đại nói. Có thể là như vậy. Ngọc nhận ra Đại bắt chước cách nói lấp lửng của mình. Cô lại cười. Lúc cô cười, nét mặt rạng rở hơn. Cô nói:
- Em đoán mò, mà trúng thiệt sao?
- Nhìn anh có giống kẻ thất tình không?
- Trông cũng giống lắm.
Đại cười trước sự hóm hỉnh của Ngọc. Anh nhận ra ở Ngọc có sức thu hút kỳ lạ. Vẻ ngoài bình dị lại ẩn chứa nét tinh tế bên trong. Ngọc có lực hút vô hình.
- Em đã từng gặp kẻ thất tình chưa?
- Gặp rồi!
- Ai vậy?
- Đang ngồi trước mặt em nè!
Quỹ thần ơi! Đại không thể nhịn được, anh cười thành tiếng. Em nghĩ anh là người thất tình thật sao? Em đâu có nghĩ. Anh nói có thể mà. Trừ phi anh nói dối. Không đâu. Nói đùa và nói dối khác nhau. Phải không? Có thể là như vậy. Ngọc nói. Pha một chút tinh nghịch trong đó. Cô ấy lại nói là có thể mà. Nhưng Đại không thể bẻ lại.
Cô ấy tiếp tục né tránh, không khai thác vấn đề. Dường như cô ấy không muốn đi sâu một vấn đề nào cả. Ừ! Cũng đúng thôi. Anh là một người lạ, tuy nói là bạn, nhưng cũng chỉ mới quen. Không thể đòi hỏi cô ấy cởi mở nhiều hơn được. Cô ấy khéo né tránh mà không làm cho đối phương phiền lòng.
Trong đời của Đại, gần như chưa có cô gái nào thoát khỏi sự tán tỉnh của anh. Hễ mà anh muốn thì anh luôn đạt được mục đích. Nhưng với Ngọc thì khác, anh không tán tỉnh cô, anh rất thích nói chuyện với cô, nghe cô ấy nói chuyện thấy dễ chịu làm sao. Ngọc giống như một chiếc hộp xinh xắn, thoạt đầu gây sự chú ý của anh, kế đến khêu gợi là sự tò mò của anh, anh muốn mở hộp ra để biết bên trong cái hộp là thứ gì, nhưng anh lúng túng vì chiếc hộp đóng kín đến nổi anh chưa tìm được cách mở ra. Chiếc hộp bí ẩn.
Đại nghĩ, muốn Ngọc đón nhận anh, anh phải chủ động mở rộng tấm lòng. Đại quyết định tâm sự với Ngọc.
- Thú thật, anh đang trốn tránh một chuyện rắc rối về tình cảm. Cho nên anh không phải là kẻ thất tình, anh là người trốn tình.
- Cũng không có gì khác nhau. - Ngọc đáp. Cô không ngạc nhiên trước sự thú nhận táo báo của Đại.
- Khác chứ! - Đại ngạc nhiên trước sự bình thản của Ngọc.
- Không!
- Em giải thích đi, tại sao không khác nhau?
- Bởi vì khi anh trốn tránh tình cảm của ai đó, nghĩa là anh thất vọng tình cảm của người đó, điều đó cũng có thể gọi là thất tình vậy.
- Trời đất ơi, từ nhỏ đến lớn anh mới nghe một sự giải thích kỳ lạ như vậy. Phục em luôn.
- Em chỉ nói cho vui thôi. Làm thế nào để giải quyết vướng mắc trong lòng anh mới là vấn đề quan trọng.
- Ừ nhỉ! Nếu em sẳn lòng nghe anh nói, anh sẽ nói ra cái vướng mắc trong lòng anh. Nhưng phải hứa là không được cười anh.
- Vâng! Em sẽ không cười. - Ngọc nghiêm nét mặt.
Đại nói với Ngọc là anh đã có gia đình, nhưng từ lâu đã quan hệ vụng trộm với Mỹ. Anh nghĩ sẽ được tiếp tục hưởng thụ niềm vui với hai người đàn bà. Vừa có tình thương của người vợ, vừa có tình yêu của người tình. Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng theo ý muốn. Sóng gió nổi lên. Lúc Mỹ cho anh cảm giác thăng hoa nhất cũng là lúc cô ấy khuấy động cuộc sống bình yên của anh. Cô ấy tin rằng sự khoái lạc mà cô ấy mang lại cho anh là một thứ vũ khí sắc bén có thể hạ gục anh bằng cách buộc anh phải bỏ vợ, chọn cô ấy. Mỹ bắt anh phải lựa chọn. Tuy anh là kẻ đa tình nhưng anh không muốn phá vở mái ấm gia đình. Hơn nửa, vợ anh không có lỗi, cô ấy là một phụ nữ đoan trang, là người mẹ hiền của con anh. Anh không thể nào ly dị một người vợ tốt như vậy. Nhưng khi ở bên Liên thì cơ thể của anh lại khao khát Mỹ. Anh mất phương hướng. Thế là anh bỏ trốn.
Trút hết nổi niềm. Đại cảm thấy nhẹ người. Ngọc trầm tư. Lòng bàn tay áp một bên má. Tay kia khuấy cái muỗng vào ly nước theo vòng xoắn ốc. Đại không biết cô đang nghĩ gì. Có thể cô cũng là một người vợ. Cô ấy có đánh giá mình là một người tồi tệ không? Ngọc ngừng khuấy nước. Với vẻ nghiêm túc, cô hỏi Đại:
- Anh có yêu vợ không?
- Tất nhiên là anh rất thương cô ấy, đó là lý do anh không thể bỏ cô ấy.
- Anh có thương cô Mỹ không?
- Anh rất yêu cô ấy. Nói chính xác hơn là anh rất mê cô ấy.
- Vì sao anh không nói là “yêu vợ” và “thương Mỹ”?
Đại thật sự lúng túng. Anh đã trả lời rất rõ ràng. Ngọc bẻ lại anh. Trong câu hỏi của cô có ngụ ý gì chăng? Ngọc hỏi “Anh đã từng nói với ai là anh rất yêu thương người ấy chưa?”. Đại càng bối rối, không biết trả lời như thế nào. Vì thường thì người ta nói “anh rất yêu em, hoặc anh rất thương em”. Chắc không có ai sẽ nói là “Anh rất yêu thương em”. Ngọc nói. Vấn đề không phải là Mỹ đã ép buộc anh phải ly dị vợ. Một ngày nào đó, vợ anh cũng sẽ yêu cầu anh từ bỏ Mỹ nếu cô ấy biết quan hệ của anh với Mỹ. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Chính đáng ư? Đại không cho là như vậy. Ngọc cho là anh trốn tránh bản thân mình. Anh không hiểu ý của Ngọc. Anh nói:
- Anh chưa hiểu ý của em.
- Anh không cần hiểu ý của em, anh chỉ cần lắng lòng lại một chút, đến một lúc nào đó anh sẽ hiểu vấn đề của chính bản thân mình là ở chỗ nào. Thì vướng mắc của anh sẽ được giải tỏa.
Đại nghe Ngọc nói một ngôn từ đơn giản “lắng lòng”, nhưng lại mới mẻ đối với anh. Lòng anh đang rối. Có lẻ anh cần có thời gian để lắng lòng mình. Nhưng ít ra, hiện giờ anh có cảm giác đã nhẹ hơn nhiều. Nó không khiến anh phải nghẹt thở nữa.
- Anh có muốn nghe em kể chuyện không? - Ngọc nói.
- Kể chuyện à, hay đấy, đã từ lâu không ai kể chuyện cho anh nghe. Em kể đi.
Ngọc kể rằng, có một chú heo con hỏi mẹ của nó: “Mẹ ơi, hạnh phúc là gì vậy mẹ?”. Mẹ của heo con trả lời “Là cái đuôi của con đấy con trai yêu!”. Vậy là heo con mỗi ngày đều tìm cách với tới cái đuôi của mình, nó cứ với mãi, xoay vòng xoay vòng đến khi mệt lả mà vẫn không thể nào với tới cái đuôi của mình. Vậy là heo con cầu cứu mẹ “Mẹ ơi, sao hạnh phúc khó với tới vậy mẹ, con làm mãi mà không có cách nào với được nó! Làm sao người ta có được nó hả mẹ?”. Mẹ của heo con mỉm cười âu yếm và nói với cậu con trai cưng của mình “Vì sao con lại muốn với tới nó hả con trai, con không thấy rằng nó luôn theo mỗi bước con đi con và mãi mãi bên con sao. Con cứ hãy đi bất cứ nới đâu và làm bất kỳ điều gì con muốn, khi con mệt mỏi và dừng bước để nhìn lại phía sau, con sẽ thấy cái đuôi của mình luôn ở sau mình và gần nơi con nhất, nó không bao giờ rời bỏ con, con trai à! Hạnh phúc là đó, là những gì bên con và luôn gần gũi với con, nhưng chỉ đến khi con đã đi khắp mọi nơi và đặt chân đến tất cả những mảnh đất mới mẻ với bao điều kỳ thú và cả những khó khăn và vấp ngã, đến lúc ấy, con mới có thể nhận ra đâu là thứ hạnh phúc luôn gần bên con! Con trai yêu của mẹ có muốn đi tìm hạnh phúc nữa không?”. Có lẽ heo con vẫn còn ngây thơ lắm, nó chưa hiểu hết được những gì mẹ nó nói “Có chứ mẹ, ngày mai con sẽ lại đi tìm nó, mẹ nói nó ở gần con nhưng con chẳng thấy đâu cả!”.
Một câu chuyện ngụ ngôn, mới nghe qua tưởng chừng không có liên quan gì đến câu chuyện của Đại. Nhưng nó làm cho anh nhìn lại trong khoảng thời gian qua anh đã cố chấp và ích kỷ đi tìm cái mà anh gọi là hạnh phúc, là cái làm cho anh thỏa mãn những cảm xúc khao khát nhất thời. Để giờ đây, anh cảm thấy mệt mỏi và nhìn lại những gì mà mình đang có trong cuộc sống bộn bề và trong mối quan hệ tay ba, khiến cho anh thấy giựt mình. Anh đã vô tình để cho hai người đàn bà đau khổ vì anh. Vậy mà anh lại trách họ. Có lẻ giờ này Liên đang làm một công việc hàng ngày, con gái của anh đang hỏi mẹ “Khi nào cha về”. Có lẻ giờ này Mỹ đang tức tối vì Đại nói yêu cô nhưng lại không cho cô một danh phận. Lúc mới bắt đầu anh đã sai. Có muộn không. Khi anh vừa chợt nhận ra lỗi lầm của chính bản thân mình. Anh nói.
- Câu chuyện hay lắm. Cảm ơn em. Anh đã biết vấn đề của anh ở chỗ nào. Lòng anh đã lắng lại phần nào. Có thể anh nhận ra nút thắt của anh ở chỗ nào. Còn em?
- Em thì... có thể nói là vì yêu nghề mà em đã phạm sai lầm lớn. - Ngọc trả lời.
- Sai lầm gì?
Ngọc im lặng một hồi. Cô đang lắng lòng để nói về mình. Cô bắt đầu bằng một giọng rất nhỏ nhẹ.
Cô là một hướng dẫn viên du lịch, rất yêu nghề. Đi chu du khắp nơi là sở thích của cô. Cô như con chim nhỏ bay trên bầu trời xanh, cô yêu biển, yêu núi đồi, yêu những cánh đồng lúa và con sông nhỏ miền quê,... Mỗi nơi cô đến để lại trong cô một kỷ niệm đẹp. Đến khi lập gia đình. Chồng của cô khuyên cô nên đổi nghề để được ở nhà nhiều hơn. Rất khó khăn cô mới thuyết phục được chồng cho cô tiếp tục công việc chỉ giới hạn những chuyến du lịch ngắn ngày. Cô khao khát được trở lại với biển của Nha Trang, rừng thông của Đà Lạt, núi đồi của Tây nguyên,... Nhưng cô chỉ nhận đi các “tour” ngắn ngày ở vùng Đồng bằng Sông Cữu long. Mong giữ được hạnh phúc gia đình.
Không may cho cô, trong một chuyến Du lịch ở Châu Đốc, khi leo núi cô bị trợt chân và cái thai gần hai tháng cũng không giữ được. Cô luôn bị dằn dặt với nổi đau đã mất đứa con chưa chào đời, mặc cảm vì có lỗi với chồng. Ông xã cô đã trách móc và lạnh lùng với cô.  Ép cô phải bỏ luôn nghề. Cũng kể từ đó cuộc sống vợ chồng tẻ nhạt dần.
Ông xã của cô thường xuyên vắng nhà, nhiều ngày chỉ có một mình cô đối diện với mâm cơm lạnh lẽo. Những tình cảm của cô chuẩn bị cho ngày sinh nhật của ông xã, hay sinh nhật của của cô trở thành vô nghĩa, bởi vì anh ấy bận việc làm ăn nên không thể về nhà cùng cô. Cô một mình trong ngày kỷ niệm ngày cưới, để rồi cô nghe anh ấy nói “Anh xin lỗi, không thể bỏ công việc được”. Cô quá quen thuộc với những lý do bận hội nghị, tiếp khách, .... của chồng. Cô trở thành là một người vợ cô đơn.
Luôn cho mình là nguyên nhân gây ra thất vọng cho chồng vì đã để mất đứa con. Cô nổ lực để cứu vãn hạnh phúc gia đình. Cô quyết định từ bỏ công việc. Cô dự định sẽ  gửi đơn thôi việc vào ngày Thứ Hai, tức là ngày mai. Nhưng cô chưa biết cô sẽ sống ra sao khi từ bỏ một công việc mà cô yêu thích nhất. Và cô cũng không chắc chắn là sự hy sinh của cô có thể bù đắp lỗi lầm của cô đã trót xảy ra, để vợ chồng cô được vui vẻ như xưa. Nhưng cô không thể không đau lòng. Đó là lý do tại sao cô đắn đo suy nghĩ.
Đại nghĩ. Sao Ngọc phải khổ sở như vậy. Chỉ là một tai nạn. Cô là người đau lòng và chịu mất mát nhiều nhất. Tại sao đức ông chồng cô ấy không an ủi cô. Lại đổ hết lỗi lầm lên người cô. Chẳng qua đó chỉ là cái cớ để cho anh ta tự do bên ngoài, mặc cho cô chịu dày dò, đau khổ một mình. Anh cho dù có những mối quan hệ bên ngoài, nhưng chưa bao giờ anh bạc đãi hoặc lạnh nhạt với Liên. Anh luôn bù đắp cho mẹ con nàng, anh luôn cô gắng làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha. Anh là một đàn ông có nghĩa khí. Còn chồng của Ngọc sao mà tệ thế. Thật tội nghiệp cho cô. Một cô gái thông minh linh lợi, luôn nghĩ cho người khác, đáng nhẻ phải được chồng cô yêu thương. Sự đời thường éo le. Cái gì trong tầm tay thì không biết quý trọng. Nếu đổi lại là anh, anh sẽ quý trọng Ngọc như một báu vật. Chà! Đại lại nghĩ lung tung rồi. Anh không nên có ý nghĩ không nghiêm chỉnh với một cô gái như Ngọc. Cô trong sáng và hồn nhiên biết bao. Được làm bạn cô đã là may mắn lắm rồi. Anh phải nghĩ ra một cách gì để giúp Ngọc.
- Sau khi nghĩ việc, em có dự định gì không?
- Em tạm ở nhà một thời gian, sinh cho anh ấy một đứa con, sau đó hẳn hay.
- Không hẳn là phải ở nhà thì mới được sinh con. Em có thể làm một công việc gì đó gần với công việc em đang làm. Như điều hành hoặc thiết kế các “tour” theo yêu cầu của khách hàng. Cũng có thể xây dựng các chương trình quãng cáo cho ngành. Em cũng có thể khai thác thêm các khu du lịch tiềm năng,...rất nhiều việc để làm về du lịch.
Đại thấy mắt của Ngọc sáng lên. Ý tưởng của anh rất hay. Nhưng có lẻ ông xã của em thích em ở nhà để làm “bà nội” hơn. Em thử nói chuyện với ông xã đi, có thể anh ấy đồng ý. Đại khuyến khích Ngọc. Ở nhà xoay quanh bếp núc không thích hợp với tính cách của em. Cảm ơn anh. Em sẽ thử. Nhưng nếu anh ấy không đồng ý thì em sẽ chìu theo ý của anh ấy. Em hy sinh vì gia đình là tốt. Nhưng phải cả hai cùng hy sinh thì mới có kết quả tốt. Em là phụ nữ. Hy sinh một chút không sao. Đàn ông phấn đấu cho sự nghiệp là hợp lý. Em không so đo chuyện đó đâu. Em làm tất cả miễn anh ấy vui trở lại là em vui rồi.
Sau bửa ăn sáng. Đại lái xe, cả hai đi Mỹ Khánh theo hướng dẫn của Ngọc. Mỹ Khánh là một khu du lịch miệt vườn, tuy không lớn lắm, nhưng được cái khí hậu trong lành và mát mẻ. Ngọc đưa anh xem mọt vài trò chơi dân gian, anh cười thật sảng khoái khi chứng kiến mấy chú heo con đua nhau chạy thật nhanh giành chỗ ăn ở một cái máng dài bằng gỗ có đựng cám. Đến xem căn nhà bằng gỗ lim có tuổi hơn trăm năm. Người trông coi nhà cỗ là một cụ bà tuổi trên 80 mà nói năng hoạt bát, bà thuộc rất nhiều bài thơ tình yêu đôi lứa. Bà đọc một bài thơ dân gian nghe có vẻ hài hước nhưng rất thú vị:
“60 chưa phải đã già
60 là tuổi mới qua dậy thì
65 hết tuổi thiếu nhi
70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
90 mới bắt đầu già
đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
100 có lệnh diêm vương
cứ ở trên ấy yêu đương thỏa lòng
bao giờ đạn hết lên nòng
từ từ nằm xuống là xong một đời”
Đại thấy Ngọc có vẻ e thẹn, mặt hơi đỏ. Đại hỏi. Em mới nghe bài thơ này lần đầu à? Em nghe nhiều lần rồi. Vậy sao anh thấy em mắc cở giống như con gái vậy? Đâu có. Em thấy bà lão tuy tuổi đã cao mà vẫn lạc quan yêu đời. Còn em, hình như đã già đi trước tuổi. Đại thầm nghĩ. Có lẻ chồng cô đã nhạt nhẻo với cô, nên cô cảm thấy tủi thân chăng? Anh thấy Ngọc có vẻ mệt mõi. Cô nói là hơi bị chóng mặt. Anh đưa Ngọc ra một cái nhà mát, gọi thức ăn và nước uống. Nhưng cô không ăn được một chút nào, hai mắt nhắm nghiền, một lúc sau, nàng nghiêng vào vai Đại và ngủ thiếp đi một lúc....Tiếng cười nói của du khách gần đó, làm cô tỉnh giấc và có vẻ ngượng ngùng. Cô nói với Đại là gần đây cô bị chứng mất ngủ, nên thỉnh thoảng bị choáng. Ngọc xin lỗi Đại và có ý muốn ra về.
Trên đường về, Ngọc hỏi Đại làm nghề gì. Đại nói anh đầu tư xây dựng bất động sản. Hiện nay không khả quan. Ngọc nói. Chính phủ đang có gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, cô khuyên anh nên chú ý vấn đề này. Dự án đô thị mới ở Nam Cần Thơ còn tiềm năng. Có thể xây dựng trường học và đầu tư xây dựng chợ. Vì có Cảng Cái Cui và 2 khu công nghiệp. Đại ngạc nhiên về sự am hiểu tình hình bất động sản và có lời khuyên rất hợp lý. Cô nói. Cô biết được cũng thông qua một số khach hàng kinh doanh về lĩnh vực này.
Chia tay Ngọc. Đại cho xe hướng về Cầu Cần Thơ để về Sài gòn. Đến Bình Minh, anh dừng lại một quán cà phê ven đường. Anh gọi một trái dừa tươi. Khí trời nóng bức, vị ngọt của nước dừa làm anh dễ chịu phần nào. Anh chần chừ không muốn ra xe. Đầu óc cứ bận bịu suy nghĩ về Ngọc. Ngày mai, cô ấy sẽ nộp đơn xin nghỉ việc, hay chuyển sang làm những công việc khác như Đại đã gợi ý với cô. Cô có thuyết phục được ông xã của mình. Nhiều dấu hỏi cứ hiện lên trong đầu của anh. Nếu mình là ông xã của Ngọc, thì Ngọc không cần phải khổ sở như vậy. Anh sẳn sàng để cho Ngọc được tự do lựa chọn làm những công việc mà cô ấy thích. Chao ôi! Minh lại suy nghĩ lung tung nữa rồi. Có lẻ mùi hương mái tóc của Ngọc như còn vương vấn trên vai áo của anh. Cô ấy vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Cô ấy đang đối mặt với hoài bảo của bản thân với hạnh phúc chung của gia đình.
Khi xưa Liên dạy mẫu giáo. Nàng yêu trẻ con. Nàng có năng khiếu kể chuyện rất hay. Đại đã từng say mê những câu chuyện cổ tích do Liên kể. Từ khi có con, những câu chuyên đó chuyển về phía con gái nhỏ của anh. Có lẻ gánh nặng của công việc nhà và chăm sóc con cái. Liên ít thời gian nói chuyện với anh hơn. Mỗi đêm cô nằm bên anh ngoan ngoản như một con mèo con, say sưa ngũ trong vòng tay bảo vệ của chồng. Nàng không có những cơn sóng tình ồ ạt lúc đêm khuya. Có lẻ nàng quá mệt mõi. Anh cảm thấy thương Liên quá. Một người vợ đơn thuần, chăm chỉ, không đòi hỏi. Sao anh lại vì những thú vui riêng của mình mặc cho nàng lặng lẻ lo toan “Lần này về nhà, mình sẽ hỏi ý kiến Liên, nếu cô ấy thích trở lại trường Mẫu giáo hoặc làm một công việc nào đó, mình sẳn sàng đồng ý và tạo điều kiện cho cô ấy”.
Một ngày làm bạn với cô gái tên Ngọc quả là đáng giá ngàn vàng. Từ Ngọc, anh hiểu được giá trị của ý chí nổ lực giữ gìn hạnh phúc gia đình, sự hy sinh âm thầm của một người làm vợ, không so đo, không tính toán.
Anh quyết định chia tay với Mỹ, không trách móc, không giận hờn. Trả tự do cho Mỹ tìm một người có thể cho nàng một danh phận. Anh quyết định về nhà để bế đứa con gái trên tay và hôn lên đôi mắt của Liên mõi mòn chờ đợi anh. Sau đó ngũ một giấc bình yên trong mái ấm gia đình.
Cảm ơn Ngọc. Người con gái luôn nghĩ cho người khác. Em không làm gì hết những em đã đưa anh trở về với gia đình của mình, nơi mà anh có được hạnh phúc thật sự. Hy vọng em sẽ giữ được gia đình của em và được hạnh phúc mà em đáng có. Một ngày nào đó anh sẽ trở lại Cần Thơ với một trạng thái mới. Anh cam đoan là như vậy.

 (Hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét