Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SUY NGHĨ TỪ HAI LỖI NHỎ TRONG SÁCH GIÁO VIÊN NGỮ VĂN 9

Lê Đức Thịnh


Bộ sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV) bậc Trung học cơ sở đã được sử dụng trong nhà trường gần 10 năm nay. Có bao vấn đề nảy sinh từ bộ sách này như quá tải, bất hợp lí, bất nhất. Biết bao hội thảo từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh … được tổ chức để góp ý về chương trình, chỉnh sửa sai sót của bộ sách nhưng thật đáng buồn là những thông tin góp ý dường như không có phản hồi.
Hàng năm, SGK và SGV vẫn cứ tái bản, bản cũ in lại. Chúng tôi vẫn chờ để xem thử bản in mới có chỉnh sửa gì không nhưng vẫn vậy. 
Năm nay, văn bản trong hướng dẫn điều chỉnh giảm tải chương trình từ Bộ GD-ĐT có câu lưu ý rằng giáo viên lấy  bộ SGK năm 2011 làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa, tuy nhiên khi xem lại thì SGK năm 2011 cũng chẳng khác gì SGK những năm trước. Báo hại khi nghe thông tin đó, giáo viên và học sinh đổ xô đi mua SGK mới khiến cho thị trường sách năm nay sôi động hẳn !
Trong bài viết này, tôi không đi vào các vấn đề vĩ mô mà chỉ mạn đàm về hai lỗi sai đã tồn tại trong cuốn SGV ngữ văn 9 tập I từ nhiều năm nay:

1. Trang 67 dòng thứ 15 trên xuống có câu “Các ông vua thời Lê Mạt thì chẳng ra vua …”
Từ mạt trong từ điển TV giải nghĩa là tàn tạ, suy vong . Vậy Lê Mạt có nghĩa là nhà Lê vào thời suy vong.
Nếu vậy thì Lê Mạt phải viết là Lê mạt (không viết hoa từ mạt).
Chúng tôi đã tham khảo nhiều sách lịch sử và tra tìm trên Google cũng nhận thấy kết quả như vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng “Mạt” chỉ về triều đại phong kiến, vậy phải viết là “Mạc” mới đúng.
Trong cả 2 trường hợp, chữ “Mạt” đều bất ổn về chính tả.

2. Trong SGK ngữ văn 9 tập I trang 158 có bài tập số 3 như sau :
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
                        (Chính Hữu, Đồng chí)
Trong các từ vai, miệng, chân, tay, đầu ở đoạn thơ, từ nào dược dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển ? Nghĩa chuyển nào hình thành theo phương thức ẩn dụ, nghĩa chuyển nào hình thành theo phương thức hoán dụ ?

SGV ngữ văn 9 tập I trang 181 đã giải bài tập này như sau :
Những từ dùng theo nghĩa gốc : miệng, chân, tay.
Những từ dùng theo nghĩa chuyển : vai (hoán dụ), đầu (ẩn dụ).

Theo chúng tôi (và đa số đồng nghiệp) từ vai dùng theo nghĩa hoán dụ như SGV giải là sailời giải đúng là vai dùng theo nghĩa ẩn dụ.
Trước hết cần xét lại hai cách hiểu về hoán dụ và ẩn dụ từ vựng học:
SGV ngữ văn 9 tập I trang 54 gợi ý ngắn gọn mà chính xác như sau : Ẩn dụ dựa trên hiện tượng giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển có nét nghĩa tương đồng. Hoán dụ dựa trên hiện tượng giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển có quan hệ tương cận về nghĩa.
Xét từ vai trong trường hợp trên ta thấy từ điển Tiếng Việt chỉ rõ các nghĩa của nó như sau :
Nghĩa gốc : chỉ phần nối liền giữa mình với cánh tay (vai người).
Nghĩa chuyển : chỉ phần trong vật gì giống với cái vai (vai lọ, vai kiệu, vai áo).
Và hiển nhiên, mối quan hệ giữa “vai người”“vai áo” trong trường hợp này là mối quan hệ có nét nghĩa giống nhau (tương đồng).
Vậy mối quan hệ ngữ nghĩa giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển trong trường hợp này là mói quan hệ ẩn dụ. Điều đó dường như ai cũng nhận ra.

Chính SGV ngữ văn 9 tập I trang 56 trong trường hợp tương tự đã giải đúng bài tập 1 trang 56 SGK như sau :
Từ “chân” trong câu “Sau chân theo một vài thằng con con” là nghĩa gốc.
Từ “chân” trong trường hợp “… kiềng ba chân” và “…chân mây mặt đất …” dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ.
Chúng tôi khẳng định lại lần nữa là SGV đã giải sai trường hợp nêu trên.

Và điều này đã dẫn đến nhiều chuyện bi hài có thật như sau:
Chuyện bi hài thứ nhất : Trong kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2008 ở Quảng Nam, có câu  trắc nghiệm hỏi về trường hợp trên (trích lại bài tập trong SGK), hiển nhiên những người làm đáp án đã chọn giải pháp “bám vào SGV” vì SGV là “pháp lệnh”. Thế là hội đồng chấm đã phản biện cho rằng SGV đã nhầm (sai). Ban ra đề vẫn nhận ra điều ấy nhưng họ cố bu bám vào “pháp lệnh”. Cuối cùng cả đôi bên đi đến giải pháp dung hòa là câu ấy học sinh trả lời là ẩn dụ hay hoán dụ cũng đều đúng và được điểm cả !!!

Chuyện bi hài thứ hai : Khi giáo viên dạy học trên lớp, nhất là những vị có bản lĩnh chuyên môn, khi dạy đến chỗ này, họ vẫn giải trường hợp đó là ẩn dụ mới đúng, SGV giải hoán dụ là sai; tuy nhiên thầy giáo lại nói thêm : Khi đi thi mà gặp câu này thì các em cứ giải là hoán dụ cho đúng với “pháp lệnh” !!!
Trong khi đó nhiều đồng nghiệp của chúng tôi thì vẫn vô tư theo quan điểm : họ viết sách thế nào thì mình dạy thế ấy, cần chi phải tranh cãi đúng sai cho mệt !!!

Mặc dù những lỗi sai này và nhiều vấn đề khác về nội dung chương trình,  chúng tôi đã góp ý bằng văn bản cụ thể trong những hội thảo về chương trình và SGK nhưng không nhận được phản hồi nào.

Từ những câu chuyện nhỏ trên, chúng ta có thể thấy một số vấn đề về hiện trạng của giáo dục:
-          Phản biện trong giáo dục dường như đi vào chỗ không người;
-          Giáo viên vẫn không thoát khỏi tư duy “pháp lệnh” (là SGV và SGK) dù  những pháp lệnh ấy có nhiều chỗ bất ổn, cần điều chỉnh kịp thời.

 Lê Đức Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét