Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

CÒN MÃI TRONG TÔI


            Huỳnh Phước

Những hình ảnh thân yêu, những kỉ niệm khó quên về thầy cô, bè bạn dưới mái trường Trung học đệ nhất, đệ nhị cấp Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), nơi mà tôi đã từng theo học từ năm 1965 đến 1972, đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai mờ.
Cổng trường xôn xao theo tiếng trống, hàng cây khuynh diệp xanh tươi tắm mình trong nắng ban mai, quí thầy cô trong trang phục chỉnh tề lên bục giảng, các bạn cùng lớp, chung trường hồn nhiên vô tư và tinh nghịch trong giờ ra chơi nhưng rất nghiêm túc trong giờ học ... đã đi vào vùng sâu thẳm kí ức của tôi.
Lúc ngồi một mình ôn lại hoặc có ai khơi dậy thì các hình ảnh ấy lại miên man hiện về. Với tôi, mỗi con người, mỗi sự việc dù hay dù dở của tuổi học trò đều là những bông hoa kỉ niệm đẹp.  Trong vườn hoa kỉ niệm thắm tươi sắc màu và ngào ngạt hương thơm đó có một đóa hoa luôn nở trong tôi một màu son đỏ. Tôi muốn nói đến thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khoa Phước, cánh chim đầu đàn của trường Trần Quốc Tuấn năm xưa.
            Thời chúng tôi, được trúng tuyển vào lớp đệ thất (tức lớp 6 bây giờ), đa phần đều trên 12 tuổi (do chiến tranh thất học, trễ học). Tuy đã 12, 13 tuổi, nhưng do trình độ chung về dân trí xã hội lúc bấy giờ, nên đa số chúng tôi không có được cái nhanh nhạy như thế hệ học sinh đầu cấp THCS bây giờ. Chính vì vậy, mà khi biết mình trúng tuyển rồi thì cứ yên tâm  xách cặp vào lớp khi ngày khai giảng đến, chớ có biết đâu rằng: viêc nhập học của các “tân khoa đệ thất” không đơn giản chút nào. Theo nguyên tắc hành chính, tôi phải làm thủ tục hồ sơ nhập học (bản sao giấy khai sinh, bản sao bằng tốt nghiệp tiểu học tạm thời, đơn xin nhập học, hai ảnh 4x6…). Muốn có bản sao hợp lệ, tôi phải đến Ty Hành Chánh trong Tòa Hành Chánh tỉnh để được thị thực. Để có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ nêu trên, có khi phải mất cả tuần lễ mới xong. Thế mà chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày khai giảng, tôi mới lon ton đến Văn phòng nhà trường.
            Tôi lê từng bước chân nặng trịch trên hành lang rồi rón rén vào Văn phòng, gặp thầy Giám học để xin giấy vào lớp. Ôi thôi, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái tâm trạng hãi hùng của cậu học trò nhà quê lên tỉnh bị thầy L nện cho một trận đến “hồn xiêu phách lạc” … “Hết hạn nộp hồ sơ, hết hạn nộp hồ sơ… đi ra ngoài, đi ra ngoài … để tôi còn làm việc…”.
Thầy vừa quát tháo vừa vung tay xua đuổi. Là học sinh nghèo, nhút nhát sống ở vùng nông thôn, như “con nai vàng ngơ ngác” chẳng biết cớ sự ất giáp thế nào, tôi chỉ còn biết mếu máo, nài nỉ...trong vô vọng.

            Đúng lúc ấy, có một người thầy tầm thước, da trắng, tóc ngắn, trông thật nho nhã và nhân từ đi ngang qua (sau này tôi mới biết, đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khoa Phước). Thầy dừng lại, hỏi tôi với giọng ôn tồn: “ Vì sao mà em khóc”? Tôi trình bày đầu đuôi sự việc trong nước mắt vắn dài tức tửi. Thầy nhìn tôi với ánh mắt nhân từ, đầy cảm thông và chăm chú lắng nghe. Xong. Thầy đưa bàn tay ấm áp cầm lấy tay tôi, dắt tôi lại gần thầy Giám học, đề nghị thầy L linh hoạt giải quyết cho trường hợp này. Với lý lẽ thật đơn sơ, thầy giải thích: “ Đa số học sinh đến đây là con em nông dân chân lấm tay bùn, vất vả lắm mới cho con ăn học, vì không nắm được đầy đủ qui định của nhà trường, nên chậm trễ. Xin thầy vui lòng gia hạn thời gian nộp hồ sơ cho học sinh nầy ba ngày nữa…”. Trước lời thái độ điềm đạm và lời lẽ  thấu tình đạt lí của người lãnh đạo, thầy L đổi giận làm vui: “ Thôi, em về cố gắng hoàn tất hồ sơ và nộp đúng thời hạn nghe”. Như mở cờ trong bụng, tôi vội vã vòng tay cúi đầu cảm ơn hai thầy, rồi “ba chân bốn cẳng” chạy thẳng về nhà.
            Nếu không có cái tâm trong sáng  của một Nhà giáo, tôi chắc không bao giờ thầy Hiệu trưởng đã nói những lời trĩu nặng tình yêu thương và đầy cảm thông như thế. Cái nghĩa cử cao đẹp, đầy ân tình của thầy đã cứu tôi, một cậu học trò nghèo, khỏi thất học và góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của tôi.
            Khi được nhập học, lớp tôi được thầy Hiệu trưởng  dạy bộ môn giáo dục công dân. Những giờ dạy của thầy, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in. Mỗi khi vào lớp dạy chúng tôi, thầy không thuyết giảng triền miên, cũng không tiến hành theo năm bước như giáo học pháp bây giờ mà thầy dạy theo cách của thầy. Trước tiên thầy nêu chủ đề bài học, tiếp đến thầy kể một câu chuyện, sau đó thầy yêu cầu chúng tôi phát biểu suy nghĩ. Thầy khuyến khích chúng tôi, nghĩ sao nói vậy. Thế là cuộc hội thoại đầy tranh luận của những ý kiến khác nhau của các cô cậu học trò theo một định hướng rất tế nhị của thầy lại nổ ra. Để rồi cuối cùng, thầy khái quát chủ đề thành một bài học ngắn gọn nhưng rất xúc tích nên học sinh rất dễ nhớ.  
            Chẳng hạn, khi dạy về tình yêu quê hương, đất nước, thầy kể chúng tôi nghe câu chuyện Người đi du lịch trở về: Có một người du lịch trên mọi miền đất nước, ông ta đã từng thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, thưởng thức món ngon vật lạ ở những nơi mà ông ta đã đến. Nhưng khi trở về nhà, hàng xóm láng giềng đến hỏi : “Theo ông, nơi nào là nơi đẹp nhất?”  ông trả lời với mọi người rằng: “Cảnh đẹp thì tôi được trông thấy rất nhiều… nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc tôi trở về nơi “quê cha đất tổ”, từ cái hàng rào, bụi tre ở góc vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng… cái gì cũng đẹp, cũng gợi ra cho tôi những  tình cảm yêu thương chứa chan không sao kể xiết được… Rồi sau đó thầy đặt câu hỏi để chúng tôi phát biểu suy nghĩ về tình cảm của người đii du lịch đó. Và cuối cùng thầy khái quát: “Thế mới biết càng đi xa thì lại càng thấy quê hương của mình  đẹp hơn cả ...”
Khi dạy bài nói về chủ đề Lương tâm, cũng từ một câu chuyện kể về một chàng thanh niên, do nông nổi đã làm một việc mà khi hối cãi không thể nào chuộc được lầm lỗi, và lỗi lầm ấy đã dày vò tâm can anh chàng thanh niên này đến cả cuộc đời. Bằng chất giọng thanh nhẹ, sâu lắng và có sức tâm truyền đã đi vào tâm thức chúng tôi. Cho nên sau nhiều năm xa cách, mỗi người một nơi, giờ gặp lại, thế hệ học sinh thời 65 -72 Trần Quốc Tuấn , dù làm bất cứ việc gì, cũng vẫn luôn giữ được lương tâm, một phẩm chất cao quí để thành Người.
Đặc biệt khi dạy về chủ đề Tinh thần trách nhiệm công dân, Thày đã kể câu chuyện về nhân vật Rowan - một con người lịch sử, một con người ngoại hạng. Bằng phương pháp tâm truyền thầy đã khắc  sâu vào ký ức của tôi một con người có tinh thần trách nhiệm, một tinh thần tháo vát, dám đứng ra lãnh trách nhiệm được giao phó… Có thể nói đây là hành trang theo suốt cả cuộc đời chúng tôi.
Trên đường đời đầy gian nan và thử thách, mỗi khi gặp những tình huống bất ngờ về tình yêu và cuộc sống, về trách nhiệm và lương tâm, về tình cảnh của của một tha nhân nào đó thì trong tôi lại hiện lên hình ảnh của thầy Phước kính yêu với ánh nhìn hiền hậu, với giọng nói nhân từ và những bài học Công dân mà thầy đã dạy.

                              Đà Nẵng, mùa hè năm 2012
                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét