Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

VANG VỌNG CÂU HÒ

Huỳnh Văn Cát



      Lúa ba trăng mùa bát ngoạt đang thì con gái xanh mượt, dầm chân uống từng dòng nước mát dịu chảy về trong cái nắng tháng sáu gay gắt. Từng ống nước đều đặn đổ xuống máng xối, từ từ xuôi ra cánh đồng theo nhịp chân của cô Sáu, một cô thôn nữ dịu dàng, xinh đẹp, nức tiếng hát hò khoan, một làn điệu dân ca Quảng Nam. Cô thôn nữ thoăn thoắt đôi chân, bánh xe nước quay tròn, quay tròn... Mỗi ngày Sáu đạp ba xe nước nên làng trên xóm dưới phong tặng cho cô cái biệt hiệu ngồ ngộ: “Cô Sáu Ba Xe”. Người con gái đảm đang công việc thay trời làm mưa ấy có một tâm hồn nghệ sĩ và chất giọng ngọt ngào như vị đường đen rút mật xứ Đại. Nhìn đàn cò trắng bay lã bay la trên bầu trời xanh đang chao cánh liệng vòng, từng cặp đôi hạ xuống cánh đồng, lòng cô đang rộn lên khúc tâm tình, thì đâu đây vọng lại câu hò :

             “Ơ...ớ...ơ...
Bạn về dưới nớ bạn có nhớ ta không?
          Ta ở trên ni ta nhớ bạn như cau xông lửa lò”.


   Tiếng hát trữ tình khuấy động cả  không gian yên ắng. Đưa ngón tay quệt giọt mồ hôi, rồi nhả miếng bả trầu còn nhai dở, cô định cất lời đáp lại, thì cũng cái giọng nam trầm tiếp tục ngân lên:
            “ Ơ...ơ...ơ...
Họ về răng bạn không theo
          Hay là bạn sợ truông xa cát nóng đường đèo đá dăm?”
     Cô Sáu tiếp lời ngay:

            “ Ơ...ớ...ơ...
Nghĩ tình bạn cũ ta cũng muốn tới thăm
          Nhưng sợ thiên hạ dị nghị con tằm đi tìm dâu
          Lẽ nào cọc nọ đi tìm trâu
          Phận em là gái dám đâu đi tìm chàng”.

      Con đường làng rợp bóng tre xanh mát rượi ấm áp tiếng cu gáy trầm ngâm, tươi vui tiếng chào mào thánh thót, tiếng sáo sậu ti toe hòa cùng tiếng chiền chiện ríu ra ríu rít giữa trời cao tạo thành khúc nhạc đồng quê êm ả. Một bầy chim khách nhảy nhót trên cây gạo đầu làng kêu: khách khách.  
Lũ trẻ con đầu trần chân đất ầm ĩ hò reo, chạy lon xon sau một lão ông trạc ngoại ngũ tuần đang dò dẫm theo sau một đứa bé gái phỏng chừng mươi hai tuổi. Họ tiến dần về mấy chiếc xe đạp nước thay mưa. Đó là hai ông cháu của Năm Trâu, một khách lang bạc kì hồ có máu văn  nghệ quê ở Đại Nghĩa. Ông ta là một cây hò khoan đối đáp có biệt tài hát kiến tại. “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, nghe tiếng đồn cô Sáu Ba Xe xinh đẹp, tài hoa, Năm Trâu cất công lặn lội đi tìm.

   Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Hóa công luôn có sự bù đắp cho những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền. Năm Trâu mù hai con mắt từ thuở bé. Thế mà ông ta  vẫn cảm nhận được mọi vẻ đẹp trên đời một cách chính xác qua đôi tai thính nhạy và qua chiếc mũi rất tinh. Chỉ cần thoảng chút hương bay, Năm Trâu đã hình dung ra sắc màu rực rỡ hay thanh đạm của cánh hoa đang gửi hồn cho gió. Thậm chí Năm Trâu còn biết được mùi thơm ấy tỏa ra lúc hoa cười hay hoa khóc. Chỉ cần nghe giọng nói của ai đó, Năm Trâu cũng đoán được người đó đẹp, xấu thế nào cả dung nhan lẫn đức hạnh.

   Con người có chút tài hoa ấy đang mở hết các giác quan còn lại để lắng sâu trong giọng hò trong trẻo, lảnh lót pha một chút dịu dàng, một chút tinh nghịch, một chút khát khao tìm bạn tri âm. Trong đầu Năm Trâu hiện lên một bóng hồng xinh xắn. Bóng hồng ấy tuổi độ đôi mươi  có nước da vải ( nước da không ăn nắng), đôi má lúm đồng tiền ửng hồng theo màu nắng hạ chói chang lấm tấm mồ hôi lao động. Đôi môi hình trái tim đỏ mọng rất xứng với hàm răng hạt lựu mỗi khi cô nở nụ cười. Đôi mắt tròn, to, đen lay láy núp dưới  đôi mi dài. Mỗi khi cặp mắt ấy nhìn ai thì đôi lông mày lá liễu lại sinh động hẵn lên.
    Người nghệ sĩ mù mới vừa chân ướt chân ráo tới nơi, thì cô Sáu mở lời chào:

                      “ Ơ...ơ... ơ...   
Hồi mô tới chừ mới gặp ông Năm
          Khoan khoan hò lại để tôi hỏi thăm đôi lời”.

    Hát đối đáp kiến tại kiểu ni, quả là một người vừa khôn vừa khéo, khôn ở chỗ thể hiện phép lịch sự trong buổi sơ giao bằng giọng dịu dàng đằm thắm và cách xưng hô. Khéo ở chỗ biết vận dụng lối chơi chữ xỏ xiêng. Thay vì bảo bảo ông dừng lại hay đứng lại, cô gái lại bảo ông hò lại, tiếng của thợ cày nói với trâu. Té ra cô gái muốn đem cái tên Trâu của Năm ra đùa bỡn.
  Mấy bà, mấy cô đang mò cỏ gần đó đứng dậy vễnh tai nghe, cười khúc khích
 Cô Sáu nheo con mắt màu nắng.
  Năm Trâu nhướng đôi lông mày về phía  cô Sáu. Quên cả tuổi tác già nua lận đận, ông ta hóa thân vào nhân vật văn học dân gian, cất lên câu hò đáp trả:

          “Ơ...ơ...ơ...
Tiếng đồn con Sáu Ba Xe
          Cái đít ngoe nguẩy so le cái lờ”

          Lớp ngôn từ vừa mộc mạc vừa thô thiển ấy làm cho tiếng cười của đám đông  rộ lên. Họ cười hồn nhiên theo sự liên tưởng tự nhiên của trường từ vựng. Chớ thực ra ngừơi nghệ sĩ dân gian đó chỉ muốn dùng từ ngoe nguẫy để miêu tả động tác đạp nước nhanh nhẹn và cụm từ so le cái lờ để ám chỉ cái lời nói của cô gái thiếu  nghiêm túc, dám bảo ông là trâu.
Đôi má cô Sáu đỏ bừng, mắt nhìn thẳng vào đấu thủ:

          “Ơ...ơ...ơ...
Ngó lên trời mây đã kéo trắng dờ
            Con mắt ông không thấy, răng ông thấy cái lờ tôi so le”.

          Lời chào xỏ xiêng, lời đáp có phần xiên xẹo, lời hỏi lắt léo, giọng hát tĩnh queo quyện thành điệu giao duyên trào lộng.
          Câu hát ý vị của hai nghệ nhân so le tuổi tác ấy như có phép màu chiêu dụ, đám đông mỗi lúc một đông thêm. Tiếng nói, tiếng cười lại giòn hơn và lan tỏa rộng hơn. Đám đàn bà đi chợ về, đám đàn ông đi đường dừng chân xúm lại.Mấy cô gái đang mò cỏ ở mấy đám ruộng bên đứng lên ôm bụng  rũ rượi cười. Họ vổ tay hoan hô, cổ vũ
          Năm Trâu cứ hát tĩnh bơ:

                  “Ơ...ơ...ơ...Sáu ơi!
                 Con mắt qua không thấy nhưng lổ tai qua nghe
                 Mười người mười nói Sáu so le cái lờ”

          Cô Sáu cứ nhịp nhàng đôi chân để thay trời làm mưa tưới lúa. Lúa mừng vui theo từng đợt sóng nhấp nhô mỗi khi gió đến. Lúa đang đậm màu theo nhịp chân cô. Tay phải ghì chặt thành xe, tay trái đưa lên quệt mồ hôi trán. Cô đã nhận ra một điều bất ổn trong cách xưng hô: gọi mình là Sáu ơi và tự xưng là qua có vẻ ởm ờ.  
“Vẫn biết bị cuốn theo cái guồng quay ngôn ngữ, người nghệ sĩ mù  thuận miệng xưng hô, nhưng mình là phận nữ nhi, ta phải xác lập lại trật tự tuổi tác”. Sáu giả giọng chào thua:

          “Ơ... ớ... ơ...
Tôi cúi đầu tôi lạy bác bác quơi
          Bác về đi tìm nơi xứng lứa vừa đôi mà bác hò”

          Năm Trâu cười tươi  hóm hỉnh:

          “Ơ...ớ... ơ... Sáu ơi,
          Qua đã đi hỏi chín ông thầy bói, mười ông thầy giò
          Ông mô ổng cũng biểu qua về hò với em”.
          “Ông đừng đặt điều mê tín dị đoan ra mà bảo đây là điều duyên nợ”. 

            Cô Sáu tiếp lời:

          “ Ơ...ơ...ơ...
Con cúi đầu con lạy bác bác quơi
          Bác đừng có thấy chuối thấy xôi mà bác thèm”

          Chuối xôi trong ngữ cảnh nầy là lời bóng gió sâu xa vừa tục vùa thanh. Tục đối với kẻ phàm phu, thanh đối với “chàng trai mù tam thập niên tiền nhị thập tam” đang say máu văn chương. Năm Trâu cười nhân hậu, hát liều một câu nói trắng theo đà hố hợi hò khoan với một mảnh hồn sáng trong như màu thời gian suốt mấy chục năm qua, một Năm Trâu đường đường chính chính trong quan hệ nữ nam:

          “Ơ...ơ...ơ... Sáu ơi,
          Dẫu gì thì qua cũng lớn tuổi hơn em
          Qua chưa lú, qua chưa lẩn qua mới thèm cái chuối xôi"

          Tiếng cười khoái chá lại giòn theo tiếng vỗ tay như tiếng pháo hòa lẫn với tiếng bình luận sôi nổi. Kẻ này bảo Năm Trâu hát liều lĩnh quá, người kia bảo ông Năm kiến tại tài tình quá. Riêng cô Sáu vẫn cứ dịu dàng vì qua cung cách nghệ sĩ cuả người đối diện cô cảm nhận ở người bạn vong niên ấy một nét mộc mạc thanh tao. Cô Sáu mạnh dạn bông đùa:

          “Ơ...ớ...ơ.. Anh Năm ơi
          Anh xít ra cho vườn hoa em tưới
         Anh chớ có đứng gần em rưới nhằm anh”

          Các đại từ nhân xưng thay đổi đột ngột. Lúc mở lời chào thì tôi – ông, lúc đối qua đáp lại tiếp theo thì tôi –bác, con - bác, bây giờ chuyển anh -  em. Thơ lục bát biến thể với vần bằng dịu êm ở cuối câu hò chuyển điệu song thất biến thể với vần trắc như khúc khích cười. Tất cả điều thay đổi tinh tế ấy được thốt ra từ cửa miệng thơm mùi hương đồng cỏ nội.  
          Đôi mắt nhung ánh lên một sắc màu tinh nghịch nửa như ép đối phương phải tắt tiếng ca, nửa như thách thức người bạn vong niên nhằm khẳng định chút tình hồng nhan tri âm.

          Năm Trâu có phần nao núng, nhưng chỉ một giây thôi. Rồi người nghệ sĩ dân gian ấy vào cuộc với  một nụ cười  tươi tắn:

          “ Ơ...ơ...ơ...
Cái vườn hoa của em thì em cứ tưới
          Em cứ tưới mê tưới mệt
          Tưới cho hắn lệt bệt rồi lại liêu xiêu
          Để rồi đến mai đây nắng sớm mưa chiều
          Vườn hoa của em có heo có hút
          Qua đứng gần qua nhét cái nút lại cho”.

          Cô Sáu đôi má đỏ bừng, cười hồn nhiên, chấp tay bái sư phụ. Năm Trâu hồn hậu cười theo. Đám đông vỗ tay tưng bừng theo tiếng cười. Đồng lúa non cũng rộn lên tiếng xạc xào trong gió. Nắng tháng sáu chang chang bỗng dịu lại theo đám mây lành.
          Nước cứ chảy đều đều theo bánh xe quay. Cây gạo đầu làng nở hoa đỏ chói  vang vọng tiếng chim gù như dư âm câu hò lao động.

          Giao Thủy, một ngày vui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét